Bà Sáu và chồng, ông Nguyễn Văn Hùng là những cư dân của "xóm chạy thận Lê Thanh Nghị", con ngõ nằm cách bệnh viện Bạch Mai hơn một cây số. Hơn một trăm con người, gồm cả bệnh nhân suy thận nặng và người nhà sống ở đây. Số phận của họ - những người bên lằn ranh sống chết - gắn chặt với Bạch Mai, và trở thành những nhân chứng của cuộc biến động những ngày này.
"Chỉ bệnh nhân mới được vào cô ạ", một người trong bộ đồ bảo hộ trùm kín giải thích với bà Sáu. "Giá ông ấy chân tay đủ như người ta thì tôi cũng chả lo", bà nài. Sau khi đo thân nhiệt và khử trùng, bà Sáu được phép vào trong.
Thành phố Hà Nội đã tính toán phương án riêng cho những cư dân "xóm chạy thận" tại Bạch Mai. Thực chất, bà Sáu và ông Hùng hay tất cả các thành viên cũng đều sẽ tham gia một phương án cách ly riêng do Hà Nội sắp xếp: họ sẽ cách ly trong xóm, và di chuyển đến viện bằng một lối đi riêng hạn chế tiếp xúc với người khác.
"Buồn bực như một con điên", hội chứng buồn mỏi chân sau một tuần chạy thận cộng tồn độc tố lẫn nước khiến Oanh không nhắm nổi mắt. Cô vớ điện thoại đọc tin tức về Bạch Mai. Mọi thứ xảy đến dồn dập trong vòng hai ngày. Ca dương tính lên 169, bệnh viện cách ly. Người nhiễm tăng lên 188, tám ca liên quan Bạch Mai, quân đội khử trùng toàn bộ bệnh viện. "Khoa thận nhân tạo chưa có ca lây nhiễm" là điều khiến Oanh tạm yên tâm trước khi gục mặt xuống đầu gối thiếp đi.
Suốt đêm, Oanh ngủ ngồi, người đau nhức bởi dư âm của một tuần chạy thận và bứt rứt khi biết tin phong toả bệnh viện Bạch Mai.
5h sáng, Oanh trở dậy rang cơm ăn và cắm một nồi mới, nắm với muối vừng mang vào viện. Cô để lại hai nắm bằng quả trứng vịt cho Vịnh làm bữa trưa. Oanh có lịch chạy thận từ 10h30 sáng đến 3h chiều các ngày thứ Hai – Tư – Sáu mỗi tuần. Sáng 30/3, lần đầu tiên Oanh bước chân vào Bạch Mai, sau ba ngày bệnh viện bị phong toả.
Oanh, 30 tuổi, 14 năm chạy thận nhân tạo ở Bạch Mai. Loanh quanh trọ cạnh đường tàu, góc chợ Phương Mai, rồi về Lê Thanh Nghị, tám lần chuyển nhà trọ đều cách bệnh viện không quá một cây số. Những bệnh nhân suy thận như Oanh không không thể rời xa bệnh viện quá hai ngày. Họ phải lọc máu mỗi tuần ba lần để duy trì sự sống, vẫn phải vào viện, dù Bạch Mai đã biến thành ổ dịch phức tạp nhất nước.
Ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng cách Bệnh viện Bạch Mai một chiếc cầu vượt đường bộ được gọi là "xóm chạy thận Lê Thanh Nghị". Trên dưới một trăm người trong xóm, một nửa là bệnh nhân suy thận nặng, một nửa là người nhà đi chăm, phần nhiều là dân ngoại tỉnh. Nằm giữa những con hẻm vừa đủ một chiếc xe máy chạy, những phòng trọ rộng 6 m2 ít khi có nắng, thường có 2- 3 người thuê chung. Người ở đây lâu nhất là 25 năm.
Vợ chồng Oanh - Vịnh trọ trong căn phòng rộng 10 m2, thuê triệu rưỡi mỗi tháng. Dãy trọ chín phòng, tám phòng mở cửa đều là bệnh nhân suy thận.
Chiều 27/3, sau ca lọc máu kéo dài năm tiếng, Nguyễn Thị Oanh về thẳng phòng thay vì ngồi nghỉ 20 phút như mọi khi. Bác sĩ dặn cô "chạy thận xong về thẳng, đừng ở lâu trong bệnh viện". Oanh thấy sợ. Cô cố nín thở khi bước vào thang máy dù trên mặt vẫn đeo khẩu trang. Trên đường từ khoa thận nhân tạo trên tầng bốn ra đến cổng viện, cô rửa tay ba lần. Xuống đến sảnh khoa cấp cứu A9 thấy người ta xếp hàng khử khuẩn, cô lại chui vào một lượt cho dung dịch phun khắp người. Về đến phòng trọ mệt lả, Oanh cố giặt nốt bộ quần áo vừa mặc vào viện rồi mới dám nghỉ.
Bạch Mai thành ổ dịch còn khiến những cư dân xóm chạy thận mất hẳn sinh kế. Từ tỉnh xa về, xác định sống cả đời trong những phòng trọ quanh bệnh viện, sức khỏe yếu, cuộc đời họ là một chuỗi những ngày đi tìm việc lao động lặt vặt, nuôi miệng chờ đến ca chạy thận. Bà Sáu và Oanh bán nước chè trong sân viện, giờ không còn cách kiếm ăn.
Đôi vợ chồng người Lục Ngạn, Bắc Giang ở cách nhà Oanh - Vịnh hai phòng. Mười năm qua, bà Sáu luôn dậy vào lúc 4h sáng. Những ngày ông Hùng phải sang viện chạy thận, bà nhặt rau, giã tôm, nấu bát mì gạo Chũ nhiều hành như chồng thích, rồi gọi ông dậy ăn. Gói ghém khăn, nước, kèm đôi cơm nắm, vợ chồng già bíu vai nhau lần trăm bậc thang cầu vượt, sang viện đúng 6h. Ông nằm lọc máu, bà ngồi hành lang đợi hết 3 tiếng để dìu về.
Bà từng tám năm đi nhặt ve chai quanh khuôn viên 14 ha Bệnh viện Bạch Mai, tới mức biết được thùng rác nào thường nhiều vỏ nhựa, thùng rác nào sẽ nhiều lon nhôm. Bị cấm, hai năm nay, bà Sáu được Oanh "truyền nghề" bán nước chè dạo.
Trong gian nhà 8 m2, bà Sáu chỉ vào mấy cái chai nhựa lít rưỡi bọc chằng chịt xốp lăn lóc dưới gầm giường, khoe "làm thế này, bảo vệ đập tha hồ vẫn không vỡ". Những ngày đầu, bị "đập đồ nghề" vài ba lần, bị ấn dùi cui xua ra ngoài, người phụ nữ nông thôn không quen va chạm, chỉ biết cúi xuống nhặt lại chai, phích, tủi thân ra về. Chị em trong xóm giúp nhau kiếm lại chai, chằng lại xốp, đun bình chè khác, bảo "bác cứ đi với em".
Mỗi cốc nước chè 3.000 đồng, "nhưng ai không có tiền, đưa 1.000 tôi cũng rót đầy". Kiếm được mỗi ngày khoảng 50.000 đồng, ông bà thêm vào 3 triệu con gửi hằng tháng và khoản trợ cấp thương binh 1,5 triệu của ông Hùng, chia ra các danh mục bà Sáu đã ghim săn trong đầu chục năm nay. Thuê nhà, điện nước 1,8 triệu đồng; thay quả lọc mỗi tháng 930.000 đồng; chạy siêu lọc tháng 2 lần 720.000 đồng; truyền thuốc chống phù nề tích nước 800.000 đồng mỗi chai tháng 4 chai; thuốc huyết áp, thuốc trợ tim, trợ não...
"Nhìn chung là nhiều thứ lắm", bà Sáu gãi gãi phần khuỷu tay lộ ra từ áo màu tím hoa cà đã sờn rách. Mỗi ngày, vợ chồng già dành ra 30.000 đồng mua thức ăn. Nhưng ba tuần nay, bài toán chi tiêu trở nên khó khăn hơn.
"Hà Nội có ca dịch rồi, bây giờ viện nghiêm lắm, không bán được nữa đâu chị", sáng 7/3, một ngày sau khi thành phố xuất hiện ca dương tính đầu tiên với nCoV, một đồng nghiệp bán nước chè thông báo. Hơn 30 người bán nước chè dạo của xóm chạy thận bị chặn kế sinh nhai. Những cái phích tự chế lăn lóc lâu ngày ở giỏ xe đạp ở sân, không ai đụng đến.
Trong những cuộc điện thoại về nhà, bà không kể cho các con biết việc mình "thất nghiệp’’ cả tháng nay, chỉ bảo vẫn ổn, nhắc các con để ý đến mấy đứa trẻ con. Bà Sáu ngại xin thêm tiền các con, "chúng nó cũng nghèo, còn con còn cái, làm gì có tiền mà cho".
Người vợ chọn cách ăn ít hơn, nhường thịt cá cho chồng. Nhưng người bệnh vẫn cần thuốc, cần ăn. 5.000 đồng mỗi ngày bà Sáu "nhịn miệng" trong suất cơm của mình, ròng rã một tháng vẫn chưa đủ mua cái "kim truyền không đau" cho chồng. Đến bữa, ông gắp cho bà, bà lại gắp trả ông, vợ chồng chưa ai ăn miếng nào, đều dóng dả "tôi no lắm".
"Từ giờ đến lúc nhận lương thương binh, ông ấy còn 3 bận mua kim, mua thuốc, mà các con vừa mới gửi tiền ra", bà Sáu không còn khoản tiết kiệm nào khác.
Dạo trước, những hôm không vào viện và thấy khỏe người, ông bà thi thoảng dắt nhau ra công viên Thống Nhất, ngắm hồ Bảy Mẫu. Mười năm ở thủ đô, đó là địa điểm duy nhất hai người từng đến, ngoài xóm thận và bệnh viện. Nhưng từ ngày dịch đến Bạch Mai, vợ chồng già quanh quẩn đi bộ trong ngõ, rồi nằm nghe đài, thể dục trong vuông sân chung của xóm.
Đại dịch cũng quét qua cuộc sống của vợ chồng Oanh, Vịnh từ giữa tháng 2. Vịnh phải nghỉ công việc photoshop ở ảnh viện, các đôi liên tục hoãn cưới vì dịch bệnh ngày càng căng. Cặp vợ chồng mất đi khoản thu nhập chính ba triệu đồng mỗi tháng. Cùng lúc, Oanh cũng bị buộc phải ngừng bán nước chè trong Bệnh viện Bạch Mai.
Mười ngày trước, Oanh cầm 30.000 đồng, ra chợ Bách khoa mua một cân lạc về rang lên trộn muối ăn dần. Cơm trắng, muối lạc trở thành bữa chính của hai vợ chồng. Buổi tối, cô sẽ nấu nhiều hơn một bơ gạo để sáng hôm sau rang cơm ăn. Những ngày không đi chạy thận, vợ chồng nhịn bữa trưa. Oanh nhớ trong mười ngày đó, mình có nấu một bữa hai bìa đậu phụ, một bữa bốn con cá khô. Trưa qua, chị Khuyến hàng xóm mua một mớ rau bí 5.000 đồng, cho cô một nửa nấu canh.
"Ăn có thể nhịn, chứ thuốc một vốc vẫn phải uống đều". "Cả nhà cả cửa" còn hơn một triệu vợ chồng để dành từ lúc chưa phát dịch.
Bí quá, tuần trước Oanh gọi về nhà định xin viện trợ. Quê cô ở Mê Linh, đang mùa thu hoạch củ cải trắng. Bố mẹ ngoài 60 tuổi vẫn tranh thủ trồng hơn năm sào rau. Lời nói cứ ngắc ngứ trong miệng, chưa kịp bật ra đã nghe em gái kể "chị ơi chị, rau năm nay rẻ lắm. Từ hồi dịch đến giờ còn có 500 đồng một cân thôi. Chẳng ai mua, sắp ra hoa hết rồi". "Thế à", Oanh chỉ buông một câu rồi lảng sang chuyện khác. "Nếu cắt rau là có tiền đấy. Có tiền thì mẹ gửi cho một triệu".
Tối 29/3, một barie "khu vực hạn chế" được lập ra ở đầu ngõ để khoanh vùng khu nhà trọ của những người chạy thận. Cán bộ phường ngồi đó, ghi chép lịch sử ra vào của người trong xóm. Trước khi có chốt, một ngày công an khu vực, cán bộ y tế gõ cửa dăm lần, dặn dò cư dân "hạn chế ra ngoài".
Oanh liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ quê nhà. Bố mẹ cô dặn "dọn nhà trọ cho sạch sẽ, nhớ ăn uống đầy đủ". Còn trưởng trạm y tế khuyên "sau 14 ngày hẵng về, trước khi tới nhà thì phải gọi điện báo cho xã biết trước nhé". Xóm trọ cách nhà hơn 30 km, chỉ một tuyến xe bus về tới chợ Yên rồi em trai ra đón, hai tháng nay Oanh chưa dám về. "Bây giờ lại càng không dám vì mình liên quan đến Bạch Mai".
Điều an ủi duy nhất với vợ chồng Oanh là "anh chủ trọ tốt tính, chẳng đuổi bọn em". Ông chủ phát cho mỗi người dăm cái khẩu trang, dặn tránh gặp người lạ trong thời gian này. Chiều qua, có người quen cũ biết chuyện, gửi cho Oanh một món tiền để mua thức ăn và lấy thuốc. Đi chạy thận về, cô nhận thêm 1,2 triệu đồng hỗ trợ từ quận Hai Bà Trưng (quận hỗ trợ các bệnh nhân chạy thận trên địa bàn). Cán bộ phường Đồng Tâm đưa danh sách thực phẩm, bảo người trong xóm muốn ăn gì sẽ mua giúp. Oanh định mua 20.000 đồng thịt lợn ăn cho đỡ thèm. Nhưng Vịnh thích thịt bò. Thế là vợ chồng trích 30.000 đồng, mua một lạng thịt bò xào dưa chua nấu bữa tối.
Còn tiền được người quen cho, Oanh dự định sẽ đi mua một chai albumin. Chai thuốc truyền tăng cường cho người suy thận, giá xấp xỉ một triệu, bác sĩ kê đơn lâu rồi nhưng cô không có tiền mua.
Hoàng Phương - Thanh Lam