Ngày 1/7, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi đã ký kết ghi nhớ hợp tác về chương trình lao động cho người Việt Nam.
Theo đó, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cho phép đi làm việc; công dân Việt Nam đang cư trú và tuyển dụng tại Nhật Bản như những thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập sinh, du học sinh tốt nghiệp khóa học 2 năm tại Nhật Bản và thi đỗ kỳ kiểm tra kỹ năng nghề, tiếng Nhật.
Để hạn chế việc lợi dụng du học để đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản, hai bên thống nhất nghiêm cấm du học sinh Việt Nam bị đuổi học, thực tập sinh bỏ hợp đồng hoặc những người xin tỵ nạn tham gia các kỳ kiểm tra kỹ năng tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng sẽ kiểm tra các cơ sở đào tạo nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chương trình du học để người lao động làm việc tại Nhật Bản.
Ngoài ra, bản ghi nhớ cũng nêu rõ quyền lợi của người lao động Việt Nam theo luật nhập cư, luật lao động, được hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng, chi phí đi lại.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nội dung của bản hợp tác đã đảm bảo sự chặt chẽ, hạn chế tối đa cá nhân, tổ chức lợi dụng hình thức du học để đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản và là khung pháp lý cơ bản đảm bảo việc phái cử, tiếp nhận lao động được thuận lợi.
Những năm gần đây, tình trạng thực tập sinh bỏ trốn và du học sinh làm việc bất hợp pháp tại Nhật có xu hướng gia tăng. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là một số công ty tư vấn du học lừa gạt người Việt Nam để thu phí môi giới, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học vừa làm thu nhập cao.