Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho hay, trên thế giới cũng như châu Á, thời gian bắt đầu giờ học, giờ làm thông thường là 8h30 đến 9h, nghỉ trưa một tiếng. Các nước áp dụng mốc giờ này đồng bộ giữa cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục. Hiện ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp cũng chọn thời gian làm việc như vậy.
"Tôi xem trên VnExpress, khảo sát ý kiến hơn 23.000 bạn đọc về thời điểm bắt đầu giờ làm việc thì 14% chọn 7h30, 33% chọn 8h và 53% chọn 8h30. Qua đó cho thấy có nhiều sự ủng hộ với đề xuất đổi giờ học, giờ làm. Chính phủ nên xem xét vấn đề này", ông Cảnh nói.
Theo ông, Việt Nam đang dùng giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch là không phù hợp. "Đi học, đi làm muộn hơn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức", ông Cảnh khẳng định.
Vị đại biểu phân tích, hiện nay, sáng sớm mọi người đều vội vã đi học, đi làm. Trong khi đó khoa học chỉ ra, 7-9h sáng là thời gian trẻ hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất, đây nên là bữa ăn chính của gia đình; buổi trưa, nghỉ 20-30 phút đủ thời gian phục hồi năng lực và tỉnh táo.
Ngoài ra, ông Cảnh cho rằng thức khuya ở đô thị cũng phù hợp với việc giờ làm bắt đầu muộn hơn vào buổi sáng, phù hợp với xu hướng hiện nay là phát triển kinh tế ban đêm. Giờ làm bắt đầu muộn hơn vào buổi sáng còn giúp công chức, người dân sống xa trung tâm có đủ thời gian đi làm, giảm mật độ tập trung dân cư trong đô thị.
"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành và địa phương giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa một tiếng, ngành giáo dục điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm", ông nói.
Cũng trong phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu chỉ ra những bất cập trong quản lý nguồn nước sinh hoạt. Đại biểu Thái Trường Giang nêu hàng loạt sự cố liên quan tới xả thải ra biển, lưu vực sông hàng chục năm qua; gần đây là sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô.
"Thực tế này cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân, sẽ nguy hại thế nào nếu chất gây ô nhiễm không phải dầu mà là chất độc hại khác?", ông Giang nói.
Ông cho rằng, đã tới lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Thủy lợi 2017; triển khai quy hoạch vùng liên quan tới lưu vực sông và có giải pháp kịp thời bảo vệ nguồn nước cung cấp cho người dân.
Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành chủ động ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại các địa phương.
Đại biểu Ngô Sách Thực cũng phản ánh, theo kết quả khảo sát năm 2018, có tới 74% người dân quan tâm và bức xúc vì ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư xử lý nước thải tại các địa phương chưa kịp thời; mới có 12,5% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý; 46,5% địa phương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ xả thải trực tiếp cao.
Quy định dành 1% chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ đầy đủ ở nhiều nơi.
"Ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra đáng lo ngại, trong khi sự cảnh báo của chính quyền chưa kịp thời, gây lo lắng cho người dân", ông nói và đề nghị các bộ ngành tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc xả thải; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn về môi trường; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, kinh tế phát triển nhưng hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm, dẫn đến hệ luỵ là bệnh tật, suy yếu sức khoẻ.
"Phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí, nguồn nước, thực phẩm, nghĩa là thở, uống, ăn đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự được nâng cao?", bà băn khoăn và nêu thực tế tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đang ở mức trầm trọng.
"Sông bị ô nhiễm nặng nề, nước sông nhiều nhánh bốc mùi nồng nặc, cá tôm không thể sống. Người dân sống hai bên bờ không dám mở cửa vì mùi hôi, không dám dùng nước sông tưới tiêu", bà Phúc nói.