Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng sáng 3/4, thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thông tin về nhiệm vụ của đơn vị.
"Thành công lớn nhất và xuyên suốt 50 năm qua của Bộ Tư lệnh là dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc. Đến nay đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Việt Nam đã học tập, nghiên cứu, làm chủ công nghệ giữ gìn thi hài", ông nói.
Theo thiếu tướng Cao Đình Kiếm, việc gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch diễn ra qua nhiều giai đoạn. Trong đó, 6 năm đầu mang tính quyết định. Ngày 23/8/1969, trước tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh yếu đi, Liên Xô cử chuyên gia sang cùng Việt Nam bàn cách gìn giữ thi hài. Lúc 9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng. Việc gìn giữ thi hài được giao cho các chuyên gia Liên Xô cùng tổ y tế đặc biệt của Việt Nam.
"Đây là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, điều kiện Việt Nam nhiệt đới gió mùa, nóng lạnh thất thường nên càng khó khăn", ông Kiếm nói và cho biết từ năm 1969 đến 1975, việc gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch được tổ chức ở K9.
Do điều kiện chiến tranh, thiên tai, thi hài Hồ Chủ tịch đã có 6 lần di chuyển. Lần đầu từ Hà Nội lên Ba Vì, lần cuối từ Ba Vì về Lăng ngày 18/7/1975.
Giai đoạn 6 năm đầu, theo ông Kiếm rất vất vả vì cơ sở vật chất còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên môn mỏng. Khi Hồ Chủ tịch mất, có ý kiến do điều kiện chiến tranh, khí hậu, kinh tế Việt Nam khó khăn nên đề xuất đưa thi hài về Liên Xô. Tuy nhiên, sau đàm phán Việt Nam quyết định để thi hài trong nước và Liên Xô hỗ trợ.
Ngày 29/8/1975, Nhà nước khánh thành Lăng và tổ chức lễ viếng. "Hàng ngày, thi hài Hồ Chủ tịch phải tiếp xúc với ánh sáng, khí hậu nên yêu cầu bảo vệ, gìn giữ rất nghiêm ngặt. Đội ngũ y tế phải luôn duy trì thông số về nhiệt độ, độ ẩm vì hanh khô hay ẩm ướt quá đều không được", ông Kiếm nói.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam lại phải bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, trực tiếp ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đơn vị đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng cơ sở dự phòng. Đến cuối thập niên 1980, tình hình Đông Âu, Liên Xô khó khăn. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, toàn bộ chuyên gia ở Lăng rút về nước, nguồn viện trợ vật chất không hoàn lại bị cắt. Việc này đặt Việt Nam vào tình thế tưởng chừng không thể để Lăng hoạt động được nữa.
Trong bối cảnh đó, lực lượng bác sĩ, kỹ thuật của Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhà nước cũng tích cực làm việc với các chuyên gia, đàm phán để Nga bàn giao toàn bộ dung dịch đang quản lý tại Lăng cho Việt Nam, đồng thời tăng cường mối quan hệ với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moskva để chuyển đổi từ cơ chế viện trợ không hoàn lại sang thương mại. Các nhà khoa học trong và ngoài quân đội tập trung nghiên cứu về y học, sinh hóa, vi sinh vật, môi trường phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chính trị.
"Giai đoạn đầu, việc làm thuốc cho thi hài được chuyên gia Liên Xô đảm nhận bí mật, đặc biệt là dung dịch, không để chúng ta tiếp xúc. Sau khi bạn làm, việc thu dọn vệ sinh giao cho Việt Nam, chúng ta đã tận dụng dung dịch còn lại ở bông gạc để nghiên cứu. Năm 1992, sau khi Liên Xô bàn giao, Việt Nam mới công khai lấy những dung dịch đó nghiên cứu để nếu không được cung cấp nữa thì tự sản xuất", tướng Kiếm thông tin.
Ông cho biết thêm, quá trình đàm phán được thực hiện từng bước, từ thuyết phục bàn giao dung dịch, sau đó tiếp tục đàm phán để Liên Xô đồng ý pha chế tại Việt Nam. "Lúc đầu bạn yêu cầu sau khi pha chế phải đem về Nga để kiểm tra xem có đủ tiêu chuẩn không, mãi đến năm 2004 mới đồng ý thực hiện tại Việt Nam. Lúc này, Việt Nam chính thức tiếp nhận công nghệ pha chế dung dịch gìn giữ thi hài", ông nói.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh cho biết thêm, hệ thống thiết bị của Lăng được Liên Xô viện trợ hoàn toàn. Sau 45 năm sử dụng, Việt Nam đang cải tiến máy lạnh, dùng máy thế hệ mới để giảm nhân lực, năng lượng; nghiên cứu hạn chế thấp nhất tác động của ánh sáng.
Việc bảo vệ thi hài Hồ Chủ tịch được đánh giá định kỳ bằng khoa học công nghệ. Bộ Tư lệnh đang báo cáo Chính phủ thành lập Hội đồng khoa học Việt - Nga để đánh giá việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm.