Tại hội nghị về phòng, chống Covid-19 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, chiều 11/3, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay với bệnh truyền nhiễm, biện pháp khoanh vùng cách ly "luôn đúng trong mọi tình huống" và làm chậm được quá trình virus phát tán là thành công.
Đề cập biện pháp "để nCoV lây lan tự nhiên, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng", ông Long cho rằng nếu áp dụng ở Việt Nam "hậu quả khủng khiếp sẽ xảy ra". Ông phân tích, phương Tây có nhiều viện dưỡng lão, còn tại Việt Nam, người già thường chung sống với nhiều thế hệ con cháu. Biện pháp tạo miễn dịch cộng đồng không thể ngăn virus lây lan với người già và hệ thống y tế không đủ khả năng điều trị.
"Khi cách ly xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), chúng tôi đưa người già ra khỏi khu vực và có chế độ chăm sóc đặc biệt", ông Long nói thêm.
Theo ông, Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp cách ly, gồm: cách ly tại cơ sở y tế với người bệnh, người tiếp xúc trực tiếp (F1); Cách ly tại nhà với người tiếp xúc gián tiếp (F2); cách ly tập trung tại cơ sở quân đội với người đến từ hoặc đi qua vùng dịch.
Việt Nam huy động khách sạn, cơ sở lưu trú để cách ly chuyên gia, tổng công trình sư. "Các kỹ sư đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phép vào Việt Nam, nhưng phải cách ly 14 ngày mới được làm việc trở lại", ông Long nói.
Biện pháp cách ly khu vực cũng đang được áp dụng như tại khu phố Trúc Bạch (Hà Nội). "Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền để thu hẹp khu vực cách ly. Thời gian tới sẽ không áp dụng cách ly khu vực rộng lớn mà cách ly khu vực nhỏ. Nếu khu phố có người nhiễm nCoV thì người trong gia đình sẽ được đưa vào cơ sở y tế. Hai gia đình liền kề được cách ly tập trung", ông Long cho hay.
Về việc người nhập cảnh bắt buộc khai báo y tế điện tử từ 7/3, ông Long cho rằng đây là "bước thay đổi trong chống Covid-19". Dựa trên dữ liệu khai báo, nhà chức trách sẽ nắm được thông tin cần thiết.
"Riêng chuyến bay VN54, đến ngày 10/3, cơ quan chức năng mới hoàn tất việc tìm được thông tin (nơi ở, lưu trú, lộ trình di chuyển) của tất cả hành khách", ông Long nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay Việt Nam đã nghiên cứu kỹ và "rút ra bài học đắt giá về việc phân tuyến điều trị" ở Vũ Hán, Trung Quốc. "Vũ Hán tập trung rất nhiều bệnh nhân vào một khu vực nên không đủ bác sĩ điều trị. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu các địa phương phát hiện bệnh nhân ở tuyến nào thì điều trị tại tuyến đó. Bệnh nặng mới chuyển tuyến trên", ông Long phân tích.
Khẳng định Việt Nam minh bạch thông tin, không giấu dịch, ông Long kêu gọi người dân nên theo dõi thông tin từ nhà chức trách, thay vì có hành động sai lầm như tích trữ lương thực, thực phẩm.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các đơn vị tận dụng thế mạnh ở hơn 100.000 khu dân cư để tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống dịch. Các tổ chức Mặt trận cần kêu gọi người dân tỉnh táo với thông tin không chính xác, lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia.
Đến 10/3, khoảng 34.600 công dân đã được cách ly trong doanh trại quân đội và các địa phương (không tính số cách ly trong cơ sở y tế); trong đó 13.500 người hết thời gian cách ly 14 ngày, được cấp giấy chứng nhận, trở về nhà.