Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 5/3, Bộ trưởng Long nói cả nước đã chuyển sang trạng thái quản lý rủi ro, số ca mắc tăng nhưng giảm cả ba tiêu chí là ca nhập viện, ca nặng, tử vong. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị ca nặng.
Vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy, theo ông Long, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
Hệ thống cung ứng oxy và điều trị bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc đang ổn định. Trước tình hình số ca nhiễm tăng cao, Bộ Y tế đang làm việc với các đơn vị để có phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus để có thể coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu", vào thời điểm thích hợp.
Quan điểm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu đã được Thủ tướng nêu tại phiên họp Chính phủ ngày 3/3.
Hồi giữa tháng 2/2021, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từng đề xuất Việt Nam nên coi Covid là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch.
Kết luận cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam đã thành công, đạt tỷ lệ rất cao so với thế giới. Riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân đạt 14 triệu liều. Việc kiểm soát rủi ro dịch bệnh "đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả".
Về bảo đảm thuốc điều trị, Thủ tướng cho rằng đây là việc khó nên cần được tiến hành rất thận trọng. Bộ Y tế đã cấp phép được một số loại thuốc. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng cấp phép thêm các loại thuốc điều trị Covid-19.
Việc sản xuất vaccine trong nước được thúc đẩy với tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục nhưng bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, khoa học; tình hình đang có triển vọng tích cực.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng với diễn biến dịch bệnh tiếp tục khó lường. Các địa phương tiếp tục thích ứng an toàn với Covid-19, từng bước bình thường hóa với dịch bệnh.
Chủ trương chống dịch là "đa mục tiêu", tiếp tục ngăn chặn lây lan; tập trung kiểm soát rủi ro; giảm số ca chuyển nặng, tử vong; không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững...
Lãnh đạo Chính phủ nhắc lại cần thần tốc hơn nữa tiêm vaccine, trong quý I/2022 hoàn thành mũi ba cho người từ 18 tuổi; hoàn thành tiêm mũi hai cho trẻ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 tuổi; nghiên cứu tiêm mũi thứ tư và trẻ dưới 5 tuổi.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định cụ thể về thời gian cách ly F0, F1. Bộ Ngoại giao đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp với điều kiện mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn mở cửa trường học đồng bộ trên toàn quốc. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn mở cửa du lịch từ giữa tháng 3.
Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết số ca mắc gần đây lên đến 3.000 mỗi ngày, tuy nhiên số ca nặng, rất nặng không thay đổi (50 ca). Thống kê những người trở nặng, tử vong gần đây thì 98% là chưa tiêm. Việc mở cửa lại trường học đã xuất hiện tình trạng trẻ nhiễm ở trường và lây cho người trong gia đình. Đến nay khoảng 2,3% trẻ bị nhiễm và 0,08% có triệu chứng nặng, chủ yếu là sốt cao và hết sau 2-3 ngày. Đến nay chưa có trường hợp trẻ tử vong do nhiễm Covid-19.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị củng cố năng lực điều trị tại cơ sở, tháo gỡ thủ tục, hướng dẫn cách ly F1, xác nhận F0; tăng cường phân luồng các tầng điều trị.