Mưa lớn và lũ liên tiếp ba tháng cuối năm 2016 khiến miền Trung gánh thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đỉnh điểm là tháng 10, lượng mưa có nơi hơn 900 mm - kỷ lục chưa từng ghi nhận, cùng với đó là lũ dâng gây ngập lụt khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hiện tượng thiên tai này kéo dài đến cuối tháng 12, thời điểm vốn rất ít xuất hiện mưa lũ, với tổng lượng mưa vài ngày vừa qua lên tới 500-700 mm. Riêng Trà My (Quảng Nam) trên 1.000 mm và Ba Tơ (Quảng Ngãi) 1.200 mm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), mưa lũ xuất hiện ở Nam Trung Bộ thường có thể kéo dài tới tháng 12.
Điểm khác biệt năm nay là mưa lũ diễn ra trên diện rộng và thời gian dài. "Ít nhất trong 3-4 năm gần đây chúng tôi chưa ghi nhận lượng mưa lớn như năm 2016. Lượng mưa ở Trung Bộ năm nay phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, cá biệt có nơi cao hơn 40-90% như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi", ông Quang nhận định.
Tiến sĩ Quang cho rằng cơ chế thời tiết, khí hậu năm nay có điểm khác biệt là sự gia tăng hoạt động của các trung tâm nhiễu động - rãnh thấp xích đạo trên vùng biển nam biển Đông Việt Nam.
"Thường vào các tháng 11 và 12, vùng trung tâm nhiễu động gây mưa đã bắt đầu chuyển hướng tới đảo Borneo của Malaysia, nhưng năm nay dải thấp xích đạo vẫn hoạt động mạnh trên khu vực phía nam biển Đông, khiến mưa lũ vẫn xảy ra ở các tỉnh miền Trung", ông Quang nói.
Cơ quan khí tượng dự báo, từ nay đến hết 18/12, khu vực Quảng Trị - Khánh Hòa tiếp tục mưa lớn trên 200 mm, riêng Thừa Thiên Huế - Bình Định khoảng 300-400 mm/đợt.
Đây có thể là đợt mưa lũ cuối cùng ở Trung và Nam Trung Bộ năm nay. Từ ngày 18/12, không khí lạnh suy yếu, mưa có thể quay lại nhưng mức độ không lớn như những đợt vừa qua.
Nhiệt độ nửa đầu tháng 12 cao nhất trong 10 năm Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nhiệt độ nửa đầu tháng 12/2016 cao nhất trong 10 năm gần đây, với nhiệt độ trung bình 22,2 độ C, cao hơn 4 độ so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân do khối khí lạnh không đủ mạnh. Đó cũng là lý do người miền Bắc có cảm giác "nóng như mùa hè" trong mùa đông. |