Chắc hẳn hai từ "quê hương" thiêng liêng luôn để lại trong góc nhỏ trái tim mỗi người với sự nhớ nhung và trân trọng. Bởi quê hương là nơi con người được sinh ra, lớn lên và đó cũng là nơi muốn tìm về sau những tháng ngày lăn lộn mệt mỏi với cuộc đời. Tôi cũng vậy, Quảng Trị - nơi tôi sinh ra, lớn lên, đã cho tôi biết bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Đặc biệt, tôi chứng kiến sự phát triển của quê hương sau ngày giải phóng. Sự "thay da đổi thịt" đó một phần do ánh sáng điện mang lại.
Về Quảng Trị hôm nay, hàng loạt đường dây điện từ 0,4KV đến 500KV không chỉ được trải đều trên mảnh đất vốn dĩ khô cằn và đầy hơi nóng của cơn gió Lào mà còn vươn dài qua nước bạn Lào. Quảng Trị quê hương tôi may mắn có được nhiều công trình điện được ngành điện và Công ty Truyền tải điện 2 đầu tư. Có thể điểm lại những mốc phát triển của lưới điện trên quê hương Quảng Trị.
Những năm trước 1990, nơi đây hầu hết chỉ có đường dây 35KV trở xuống. Từ năm 1990, điện từ nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã vào đến Quảng Trị và các tỉnh miền Trung khác bằng đường dây 110 KV. Chỉ trong vòng thời gian từ năm 1994 đến nay đã có hai đường dây 500KV Bắc Nam đã được hoàn thành đi vào vận hành và trải dài dọc theo đất Quảng Trị quê tôi với chiều dài gần 100km. Nhiều dự án đầu tư phát triển lưới điện đã được đầu tư trên dải đất miền Trung.
Có được điện, bộ mặt quê hương Quảng Trị thay đổi hẳn, những khu công nghiệp mọc lên. Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, khu kinh tế của khẩu Lao Bảo... liên tục được phát triển. Những tòa nhà cao tầng, những công trình phúc lợi, y tế, giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng, thương mại dịch vụ được xây dựng. Cờ hoa rực rỡ vào những ngày lễ, Tết; ánh điện sáng lung linh ở khắp đường phố, ngõ, xóm, công nghệ thông tin liên lạc đến từng nhà, loa đài phóng thanh vang lên rộn rã, thôn xóm đông vui nhộn nhịp. Tất cả thể hiện sức sống mới trên quê hương Quảng Trị. Chính vì sự đóng góp to lớn của ngành điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã góp phần lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội trên vùng quê vốn khô cằn sỏi đá gió Lào cát trắng.
Ngày kéo đường điện về thôn, bà con Bích Khê quê tôi vui như hội. Có điện về, đời sống của bà con được nâng cao, số hộ nghèo giảm đi rất nhiều. Nhớ lại cách đây 20 năm về trước, làng tôi vẫn thuần nông nghiệp. Mọi thứ người ta chỉ biết trông vào ruộng lúa, luống rau. Nhìn khắp nơi chỉ thấy những cánh đồng lúa xanh ngát thẳng cánh cò bay, mở mắt họ đã ra đồng, cặm cụi làm cho đến khi mặt trời lặn, sương đã vương áo họ mới trở về. Về đến nhà, ai nấy lùa vội bát cơm là lên giường ngủ, chẳng biết đến xem phim, nghe ca nhạc, truy cập Internet là gì vì lúc đó chưa có điện.
Bây giờ, nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa, máy tính kết nối Internet. Ngay từ đầu xóm, người ta đã nghe tiếng hát karaoke từ chiếc đầu đĩa phát ra. Thôn xóm trở nên rộn rã. Đặc biệt nhờ có điện mà bà con quê tôi truy cập Internet học hỏi kinh nghiệm sản xuất, những mô hình sản xuất giỏi, từ đó mạnh dạn hơn trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là kỹ thuật nuôi cá rô phi và chăn nuôi lợn. Những đàn lợn mũm mĩm trong chuồng, đàn cá rô phi tung tăng bơi lội là thành quả của bà con dày công chăm sóc, đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình.
Chúng tôi đến gia đình chị Đỗ Thị Hường - người đầu tiên mua máy xay xát về làng. Tâm sự với chúng tôi, đôi mắt người phụ nữ nông thôn chất phác ánh lên niềm sung sướng tự hào. Chị kể có điện, gia đình dồn vốn liếng đầu tư mua chiếc máy xay xát gạo, trước là phục vụ gia đình, sau phục vụ bà con trong thôn, không để bà con mình cầm cối giã gạo nữa. Vì vậy, giã gạo bằng cối trở thành ký ức của người phụ nữ quê tôi. Điện thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cuộc sống của bà con đổi thay từng ngày.
Nhìn những trụ điện cao vút, tôi hiểu khát vọng vươn lên của người dân quê tôi, cũng như hiểu thế nào là giá trị của nguồn điện đối với đời sống con người. Điện không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho quê tôi mà nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Khác với bầu không khí tĩnh mịch trước đây mỗi khi màn đêm buông xuống, nay được xem ti vi, nghe đài hiểu biết sâu hơn về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tin tức hằng ngày tình hình trong nước và quốc tế.
Tận mắt chứng kiến niềm vui của người già, người trẻ thôn quây quần bên chiếc tivi, chúng tôi mới thấu hiểu việc có được nguồn điện lưới quý giá đến nhường nào. Ánh điện sáng khắp thôn như sức sống mới đã đến với làng quê nghèo khó này. Điện làm cho tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà khăng khít, chấm dứt được cái "đèn nhà ai, rạng nhà ấy". Bởi lẽ, mọi người đều có chung trách nhiệm đóng góp vốn xây dựng đường dây và bảo vệ lưới điện trên địa bàn thôn xóm. Có điện việc học tập của con em cũng thuận tiện hơn.
Nhớ lại 20 năm về trước không có điện, người dân phải sống trong cảnh tăm tối, dùng ánh lửa bếp hoặc đèn dầu thắp sáng để sinh hoạt. Khổ nhất là học sinh như chúng tôi phải tranh thủ học từ sớm, nhiều khi học dưới ánh đèn dầu hại mắt lắm. Bây giờ nguồn sáng điện đã đem lại niềm vui chấm dứt những năm tháng sống trong cảnh leo lét của ngọn đèn dầu. Quê hương tôi mọi thứ đã đổi thay.
Trong bóng chiều, từng đàn trâu no tròn đủng đỉnh về chuồng, những chuyến xe nườm nượp nối đuôi nhau, tiếng cười nói râm ran; những ánh đèn màu, tiếng nhạc phát ra từ những quán cà phê và quán Internet làm xua tan không khí vắng vẻ làng quê yên bình ngày xưa. Đó cũng là lúc những ánh điện bật lên lấp lánh như ánh sao rải dọc theo khắp thôn xóm nơi đây. Tôi cảm nhận một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang về với mảnh đất này. Điện thực sự làm quê tôi đổi thay từng ngày.
Cuộc thi "Vẻ đẹp Năng lượng Việt Nam" do Báo điện tử VnExpress, Công ty Schneider Electric Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) tổ chức từ ngày 29/7 đến ngày 2/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tác phẩm dự thi có thể là bài viết, chùm ảnh sáng tác hoặc video clip thể hiện suy nghĩ, chia sẻ về sự phát triển, vẻ đẹp của các công trình điện, điện năng trong cuộc sống; những kỷ niệm hoặc kỷ vật liên quan đến công trình biểu tượng này... Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Lê Thị Thu Thanh