Thứ năm, 18/4/2024
Thứ sáu, 8/2/2019, 15:52 (GMT+7)

Tục cướp cầu đấu vật rèn luyện sức khỏe ở làng Gừa

Sau khi trọng tài giao cầu vào sới vật làng Gừa (Hà Nam), hai đội chơi là những thanh niên khỏe mạnh xông vào cướp quả cầu.

21h ngày mùng 3 Tết, những người có chức sắc trong làng Gừa, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm, Hà Nam) sẽ tham gia lễ tế tại đình làng. Trước kia phần hội diễn ra ngày 4/1 âm lịch với các trò chơi đánh đu, bắt vịt, chém mía…, nay chỉ còn duy trì được tục cướp cầu và võ vật.

Mùng 4 Tết, quả cầu sẽ được hai chủ tế đưa ra từ hậu cung đình làng. Trò chơi cướp cầu không thể thiếu trong hội làng đầu năm để tưởng nhớ Thành hoàng làng Trương Viết Nguyên, người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Quả cầu là vật thiêng duy nhất của làng còn tồn tại đến ngày nay, được làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng.

Một cụ cao tuổi là trọng tài đứng trước hương án xướng to: “Quả cầu làng ta/ Nhân đa vật thịnh/ Ngoài đồng tốt lúa/ Trong làng tốt cau/ Nào anh em ta đâu/ Ra đây chơi cướp cầu…í a”. Trọng tài sẽ giao cầu vào sới vật, ngay lập tức người chơi của hai đội chạy lên cướp cầu.

Hai đội chơi gồm thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ, cởi trần, mặc quần đùi, trên đầu, ngang lưng đều chít khăn màu đỏ. Họ sẽ vờn quả cầu trong sới đấu vật.

Những thanh niên nhanh, khỏe, luôn cướp cầu, chuyền tay cho những thành viên trong đội rồi chạy đủ một vòng quanh đình.

Việc tranh cướp cầu không quy định thời gian. Theo quan niệm của người dân, ai động tay được vào quả cầu sẽ có một năm mới thuận lợi.

Mọi người cùng nhau rước cầu ra rửa tại giếng làng, nơi một chậu nước được để sẵn.

Hai đội chơi xếp thành hai hàng đứng tôn nghiêm trước hương án.

Ngay sau hội giao cầu, cướp cầu, là phần võ vật. Tại sới vật được làm ngay trước cửa đình, từng đôi vật (là thanh niên vừa trực tiếp tham gia chơi cướp cầu) sẽ vào biểu diễn tranh tài. Người thắng, người thua đều vui vẻ, cùng được nhận lộc thánh lấy may.

Giao cầu, cướp cầu là tục đẹp, được duy trì hơn nghìn năm nay nhằm nhắc nhở người dân thường xuyên luyện tập thể thao, rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai, ông Nguyễn Đình Tăng, Hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Gừa cho biết.

Theo Ngọc phả còn lưu giữ tại đình làng Gừa, Trương Viết Nguyên (xưa ở xã Đông Ngàn, phủ Từ Sơn) có phong độ, khí chất, văn võ toàn tài... Ông lên đường vào Hoa Lư giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Đất nước thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, khao thưởng, phong chức cho các tướng sĩ, trong đó có ông. Không màng danh lợi, Trương Viết Nguyên xin vua trở lại quê hương để phụng dưỡng bố mẹ già.

Tương truyền, từ Hoa Lư về quê, Trương Viết Nguyên mang theo một quả cầu bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Quả cầu ấy là vật dụng để ông tập rèn binh sĩ. Trở về quê, ông dạy nhân dân cách chơi cướp cầu để rèn sức khỏe, sự tinh anh, linh hoạt… Khi ông mất, nhân dân tổ chức mai táng trọng thể, tôn là thành hoàng làng, lập đền thờ ngay trên khu đất ông ở.

Ngọc Thành