Sáng 16/6, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nói trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác báo chí, xuất bản đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; bước đầu khắc phục những hạn chế mà Văn kiện Đại hội XIII đã nêu.
Theo ông, việc bảo đảm kỷ cương, hiệu quả, thống nhất ý chí, hành động đã "tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ, đúng chức năng, nhiệm vụ".
Lãnh đạo ngành Tuyên giáo đề nghị các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần chủ động quán triệt quan điểm của Đại hội XIII đối với báo chí; tiếp tục xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả, đi vào đời sống nhân dân; đồng thời thể hiện được định hướng, tiếng nói của Đảng và ý chí, khát vọng của dân tộc.
Nêu vấn đề "lợi ích nhóm trong báo chí có không?", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần phải xem xét chấn chỉnh, xử lý triệt để.
Theo ông, văn kiện của Đảng nêu rõ phát huy dân chủ, tự do sáng tạo, tự do sáng tác nhưng phải trên tinh thần pháp luật và kỷ cương, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Mỗi tác phẩm, bài viết phải đóng góp những giá trị tốt đẹp về văn hóa con người Việt Nam, góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực, đạo đức người Việt trong thời kỳ mới.
Một trong những giải pháp, theo ông, là thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ bản lĩnh tốt, tinh thông nghiệp vụ, có tính nhân văn, sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân... Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông đề nghị báo chí cần phát huy hiệu quả những công trình đã được đầu tư hiện đại, phát huy hiệu quả tốt hơn. Theo ông, trên mặt trận báo chí tư tưởng, "ai làm chủ công nghệ thông tin, truyền thông... thì người đó sẽ chiến thắng".
Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị các cơ quan chủ quản dành thời gian quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin của báo chí. Ông cho hay Nhà nước sẽ nghiên cứu hỗ trợ cơ quan báo chí bằng chính sách, những đề án tuyên truyền trong các lĩnh vực cụ thể.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, thời gian qua công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn. Báo chí đã chủ động, kịp thời thông tin, tuyên truyền các sự kiện chính trị, sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước....
Tuy nhiên, ông Lâm nêu một số hạn chế về thông tin trên báo chí như không phù hợp tôn chỉ, mục đích; khuynh hướng thông tin giật gân, câu khách... Hiện tượng "báo hoá" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp có giảm, song vẫn còn gây bức xúc trong dư luận. Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú còn nhiều bất cập.
"Tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật của phóng viên, cộng tác viên có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm, một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, bị xử lý hình sự", ông Lâm cho hay.
Ông cho biết, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tổng kết quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.