Ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ chia sẻ quan điểm sau thông tin "bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc".
- Nhiều lần cùng lãnh đạo TP HCM giải quyết khiếu kiện liên quan quy hoạch Thủ Thiêm, ông biết gì về việc bản đồ quy hoạch khu đô thị này đang bị thất lạc?
- Tôi nghĩ nói thất lạc là không thuyết phục. Nếu thất lạc chỗ này thì có thể chỗ khác có, làm gì có việc thất lạc mãi mà không tìm thấy được.
Về nguyên tắc khi trình dự án để thu hồi, giải phóng mặt bằng... phải có bản đồ gốc để có căn cứ để triển khai, nhưng ở dự án này TP HCM đã nhiều năm không trả lời được cho người dân là có bản đồ quy hoạch gốc hay không, dẫn đến sự hoài nghi và khiếu kiện vượt cấp của cả trăm hộ dân ở dự án.
- Bức xúc của những hộ dân khiếu kiện cụ thể ra sao?
- Dự án có hàng nghìn hộ phải di dời. Phần lớn các hộ đã chấp nhận đền bù, còn lại khoảng 100 hộ kiên quyết kiện UBND TP HCM vì cho rằng nhà họ không nằm trong quy hoạch vẫn bị thu hồi. Họ cũng cho rằng TP HCM thu hồi không căn cứ vào bản đồ gốc và khi thu hồi cũng không trình được quy hoạch kèm quyết định của Thủ tướng.
Đến nay 100 hộ dân vẫn bỏ nhà, bỏ cửa ra trụ sở Tiếp dân trung ương ăn nằm ở đây cả năm trời. Tôi nghĩ không ai muốn phải bỏ nhà bỏ cửa để đi kiện cáo như thế này nên TP HCM cần phải có câu trả lời sớm và giải quyết thấu đáo quyền lợi của họ.
- Không có bản đồ quy hoạch, vậy TP HCM lấy căn cứ nào để thu hồi đất và đền bù cho hàng nghìn hộ dân?
- Bản đồ quy hoạch kèm theo quyết định của Thủ tướng là cái gốc để triển khai, tuy nhiên còn có bản đồ quy hoạch chi tiết. TP HCM khẳng định căn cứ vào bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 để lên phương án cụ thể.
Bản đồ quy hoạch chi tiết của TP HCM đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Về cơ bản, cái này đã rất đầy đủ nên mới thực hiện được việc giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời các hộ dân.
- Ông giả định gì về nguyên nhân sự "thất lạc" này?
- Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong nhiều năm làm việc về vụ kiện Thủ Thiêm, lãnh đạo TP HCM đã tìm mãi rồi, tìm nhiều năm, nhiều nơi có thấy đâu. Tôi cho rằng TP HCM nên trả lời thẳng thắn với người dân về việc không có bản đồ gốc và giải quyết thoả đáng lợi ích, quyền lợi của họ.
- Nếu không thể tìm thấy bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thì đơn vị, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
- Bản đồ quy hoạch gốc không chỉ liên quan đến TP HCM mà còn liên quan đến nhiều ban ngành khác. Để trình Thủ tướng ký phê duyệt bản đồ quy hoạch có cả Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ và UBND TP HCM... Hồ sơ trình lên Thủ tướng gồm rất nhiều văn bản trong đó bản đồ quy hoạch là thành phần không thể thiếu.
Đến nay nhiều lần đã tìm bản đồ ở các đơn vị nêu trên đều không thấy và để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc này Thanh tra Chính phủ đã có cuộc thanh tra toàn diện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chắc chắn các tổ, chức, cá nhân liên quan đến việc thất lạc bản đồ này sẽ bị xử lý nghiêm, còn mức độ như thế nào phải chờ quyết định từ Thủ tướng.
Một ngày trước, trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã thông tin thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, từng đơn vị tư vấn nhưng không tìm thấy bản đồ quy hoạch chi tiết 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm. Tại họp báo Chính phủ hôm nay, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết khu đô thị Thủ Thiêm triển khai theo hai bước là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung là bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết là bản đồ 1/2.000, sau đó cụ thể hoá và phân giới cắm mốc trên thực địa. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước. "Đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh hai lần, lần đầu tiên là quy hoạch chung năm 1996 và lần thứ hai là điều chỉnh quy hoạch năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ", ông Hùng cho hay. Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, khu đô thị Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM. Khu đô thị có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí.. Để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này, thành phố đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. Thành phố đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. |