Tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) có buổi nói chuyện trước ba trăm phật tử về thông tin báo chí phản ánh chùa tổ chức thuyết giảng "vong báo oán". Buổi nói chuyện được phát trực tiếp trên trang Facebook và website của chùa.
Đại đức Thái Minh cho hay thông tin trên đang gây "bão mạng", nhưng là do "có đối tượng ganh ghét, đố kỵ, bôi nhọ nhà chùa". Ông khuyên phật tử bình tâm, nhẫn nại, "sóng gió gì rồi cũng qua".
Tại buổi nói chuyện, đại đức Thích Trúc Thái Minh nói ba vấn đề: thế giới tâm linh có thật hay không; có vong linh hay không và tác động gì đến con người; lễ oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng.
Ông dẫn nhiều sách Phật, để đi đến kết luận, con người có tâm linh. "Vong đi theo con người báo thù rất nhiều. Nó khiến chúng ta bị bệnh tật, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn, con cái bệnh tật. Chúng ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra", ông Minh nói và cho biết việc tổ chức lễ giải oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng là có thật.
Theo trụ trì chùa Ba Vàng, việc này mang lại nhiều lợi ích cho con người. Ai tham gia sẽ được học giáo pháp, tu tập, chuyển hóa thành người tốt. Chùa khuyến khích phật tử cúng dường và đây là việc tự nguyện chứ không phải ép buộc. "Các thầy rất vất vả chứ không sung sướng gì. Có hôm phải làm việc đến 3h sáng", sư Minh phân trần. Sau đó, một số phật tử được mời lên để khẳng định được chữa khỏi bệnh, hóa giải mâu thuẫn... nhờ làm lễ giải kết oán.
"Tôi đi tu là muốn làm việc lợi ích cho chúng sinh, chứ không phải để kiếm tiền. Nếu kiếm tiền thì tôi đã bán lốt, thu phí tham quan, gửi xe...", ông nói và khẳng định, thông tin "chùa thu trăm tỷ mỗi năm không chính xác". Tiền cúng dường được dùng vào việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông, in ấn sách băng đĩa, làm việc thiện.
Các phật tử mặc áo lam ngồi thành hàng ngay ngắn, nghiêm trang lắng nghe. Sau mỗi lời của sư Minh hay lời kể của phật tử nào đó, tiếng vỗ tay lại vang lên. Kết thúc buổi thuyết giảng, một số phật tử òa khóc vì "nỗi oan nhà chùa".
Báo chí đặt nhiều câu hỏi nhưng trụ trì chùa Ba Vàng từ chối trả lời.
Chiều cùng ngày, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi Ban trị sự Giáo hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị chấn chỉnh việc thuyết giảng "vong báo oán" tại chùa Ba Vàng; kỷ luật nghiêm khắc các cá nhân nếu để xảy ra mê tín, dị đoan.
Trái ngược với nội dung thuyết giảng của trụ trì chùa Ba Vàng, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định "việc gọi vong, trừ vong không có trong giáo lý nhà Phật". "Nếu chùa Ba Vàng hoạt động không đúng đắn thì phải chấn chỉnh", hòa thượng Quang nói.
Phó giáo sư Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo cũng nêu quan điểm, chuyện vong báo oán là bịa đặt. "Yêu cầu bỏ tiền ra để hóa giải những nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước là trục lợi. Phật giáo quan niệm con người có thể cải được nghiệp bằng tích đức, làm việc thiện chứ không phải bằng tiền", ông Tuấn nói.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng việc phật tử Phạm Thị Yến nói cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại vì nghiệp ở kiếp trước là "không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội".
"Tất cả chúng ta đều cảm thấy đau thương với một con người bị giết hại dã man. Lấy cái mơ hồ của kiếp trước để cho là việc oan kiếp này là nguỵ biện cho hành động tàn bạo trong xã hội. Đây là sự việc không chấp nhận được", thượng tọa Thiện nêu quan điểm.
Khi nhận được báo cáo từ địa phương, Giáo hội Phật giáo sẽ có hình thức xử lý.
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) tọa lạc ở độ cao hơn 300 m trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Tương truyền chùa có từ thời vua Lệ Dụ Tông (1706) và đã nhiều lần được tôn tạo lại trên nền phế tích xưa.
Năm 2007, đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì. Năm 2011, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức, mở rộng quy mô lên nhiều lần và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam (4.500 m2).