Nội dung được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi giải trình trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND khoá 10, chiều 8/12. Kinh tế khó khăn cùng sự phát triển chậm lại của thành phố khiến các đại biểu lo ngại về việc tìm kiếm nguồn lực vốn rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu năm tới, thành phố thiếu nguồn vốn đầu tư công. Hạn mức Trung ương phân bổ cho TP HCM là 55.000 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát các nguồn thành phố chỉ cân đối tối đa 45.000 tỷ đồng, thiếu 10.000 tỷ đồng. Thành phố vạch ra ba nguồn để bù vào khoảng trống này.
Nguồn thu đầu tiên, thành phố sẽ đấu giá nhà đất, giống như đã làm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Song, thị trường bất động sản đang khó khăn nên phải cân nhắc, không để bán rẻ tài sản công. Nguồn thu thứ hai là ở các địa phương, và thứ ba là các nguồn thu từ Nghị quyết 54.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, dù có đủ 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho năm 2023 cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu vốn của thành phố. Vì vậy chính quyền thành phố đề ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội từ 4 nguồn: tài sản công, ODA, quỹ FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Với nguồn vốn ODA, thành phố nhận thấy không thiếu, nhưng sẽ cân nhắc tiếp cận nguồn nào và làm sao đảm bảo thời gian hiệu quả. TP HCM đang có hướng tiếp cận các quỹ như môi trường, biến đổi khí hậu để giải quyết vấn đề hạ tầng, ngập, ùn tắc. Quý 1 năm tới, thành phố ban hành đề án huy động nguồn đầu tư xã hội, trong đó quy định chính sách để thu hút.
Thành phố đang hoàn thiện đề án phát huy nguồn kiều hối - dòng vốn hàng năm tương đương nguồn đầu tư nước ngoài. Nếu có chính sách tiếp cận, dòng tiền này chảy vào đầu tư chứ không phải tiêu dùng hay mua sắm tài sản cố định khác.
Về nguồn vốn từ các doanh nghiệp nhà nước do TP HCM quản lý, năm 2023 thành phố tập trung củng cố để phát huy nguồn lực. Bởi nhiều doanh nghiệp có vốn nhưng chưa đưa vào đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế...
Việc tìm kiếm vốn đầu tư công để TP HCM hoàn thành nhiều dự án trọng điểm trong 2025 nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Cụ thể, tuyến Metro số 1 dự kiến chạy thử đoạn trên cao vào cuối năm 2022, tháng 3/2023 chạy thử toàn tuyến, sau đó hoàn thiện để khánh thành, khai thác thương mại. Năm tới, thành phố tập trung làm 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Lương Định Của, nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ.
Chủ tịch TP HCM cũng đặt mục tiêu khép kín Vành đai 2 cùng thời gian với Vành đai 3 - tức hoàn thiện vào năm 2026. Đồng thời thành phố đề ra mục tiêu tháng 5/2023 chọn chủ trương đầu tư Vành đai 4. Các công trình giao thông cửa ngõ như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành và dự án cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cần Giờ cũng được chuẩn bị hồ sơ tìm nguồn đầu tư.
Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ chọn lựa nội dung để trao đổi với Trung ương có biện pháp phù hợp nhằm huy động được phần vốn còn thiếu, đảm bảo nguồn kinh phí cho đầu tư công vào năm 2023. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi có chủ trương (như Nghị quyết 54), thành phố phải chuyển hoá ngay thành đề án, kế hoạch để thật sự hấp thu được nguồn lực ngoài ngân sách.
Thu Hằng