Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sông nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt của TP HCM, yêu cầu chính quyền thành phố phải có quy hoạch tổng thể để tránh những sai lầm, tại hội thảo Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh rạch nội thành chiều 10/9.
Nói với các chuyên gia, ông Nhân cho biết thành phố cần chuyên đề nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển sông. TP HCM cũng muốn học hỏi kinh nghiệm các mô hình hợp tác giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong phát triển vùng đất ven sông. "Đặt bốn yếu tố cần đảm bảo cho nhóm giải pháp này là thuận tự nhiên, thuận con người, thuận doanh nghiệp và thuận chính quyền", ông Nhân yêu cầu.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đề nghị UBND thành phố phối hợp các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập nước và thoát nước, từ đó đặt ra những giải pháp. Phải phân định rõ nơi nào phục vụ mục đích giao thông, nơi nào thoát nước, sinh hoạt cộng đồng hay các dự án kinh doanh.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại trước tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm trái phép, gây ô nhiễm sông rạch đang diễn ra phổ biến tại TP HCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM), trước năm 2004 chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên một số dự án nhà ở, khu du lịch... đã được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn. Hiện, thành phố chưa có quy hoạch bờ kè theo từng đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (đoạn từ huyện Nhà Bè đến quận 9) và sông, kênh rạch nội thành để làm căn cứ lập kế hoạch thực hiện kè bờ theo từng giai đoạn.
Ở dự án khu đô thị, nhà ở, chủ đầu tư chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao sông rạch nên họ không có quyền cũng như trách nhiệm xây dựng bờ kè hoặc đầu tư đường giao thông, lối đi bộ, mảng xanh dọc hành lang này. "Thành phố cần xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất", ông Châu đề xuất.
Cùng quan điểm, kiến trúc sư Võ Kim Cương cho rằng, các công trình đang dần che khuất các dòng sông của thành phố. Việc chiếm dụng đất hai bên sông làm cho nhiều đoạn sông không còn tiếp cận với cộng đồng dân cư. Do vậy, quy hoạch đất hành lang sông, kênh rạch phải được đánh giá toàn diện và không nặng về hiệu quả kinh tế trực tiếp. Việc này cần đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan và môi trường, an toàn của bờ sông và sự tiếp cận thuận tiện của công chúng.
Kiến trúc sư Võ Kim Cương đề xuất thành phố có một đề án tổng thể quy hoạch xây dựng gắn kết với các đề án quy hoạch giao thông thủy, thủy lợi chống ngập, du lịch, văn hóa giải trí, xây dựng và thiết kế đô thị hai bên sông kênh rạch.
Trong khi đó nhiều chuyên gia quốc tế giới thiệu các mô hình quản lý, quy hoạch kiến trúc hiệu quả tại Singapore, Seoul, New York, Thượng Hải. Một số kinh nghiệm được chỉ ra là phát triển cảnh quan dọc theo bờ sông phải lấy dòng sông làm điểm nhấn, thiết kế những đô thị nhạy cảm với nước.
Tổng chiều dài hệ thống sông, kênh rạch của TP HCM là 7.955 km, mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích thành phố. Hệ thống này đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa gây nên tình trạng nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún.