Báo cáo tại kỳ họp HĐND bất thường chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội quý một sụt giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 1,3%; khách quốc tế giảm 34,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1%; thu hút FDI chỉ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 33%; tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ; hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể - tăng 37,6% so với cùng kỳ.
Kế hoạch thu ngân sách TP HCM đặt ra là hơn 1.600 tỷ đồng một ngày, song chỉ được 899 tỷ đồng (55%). "Chỉ tiêu thu ngân sách năm nay là hơn 405.828 tỷ đồng chắc chắn rất khó đạt", ông Phong nói.
Không chỉ kinh tế, mọi mặt đời sống, xã hội, giáo dục, văn hoá... đều bị ảnh hưởng nặng. Cùng với cả nước, thành phố có hai tuần để hành động chống dịch, bởi nếu dịch kéo dài thì mọi mặt bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề.
TP HCM luôn là địa phương bị giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Quý I năm ngoái, TP HCM thu ngân sách hơn 98.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Năm 2019 thành phố thu ngân sách hơn 400.000 tỷ đồng - cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỷ đồng).
Tại kỳ họp này, UBND TP HCM trình HĐND dự thảo bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; ban hành quy định về tiêu chuẩn sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực y tế. Đặc biệt, UBND TP HCM trình dự thảo chế độ chi phục vụ công tác phòng chống Covid-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, công tác phòng chống Covid-19 được thành phố thực nghiêm túc. Hơn 50 văn bản chỉ đạo được thành phố đưa ra nhằm triển khai các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
Hiện, TP HCM ghi nhận 43 ca nhiễm nCoV (3 ca đã bình phục) trong tổng số 153 ca nhiễm trên cả nước. Ngoài ra, thành phố đang có 8.852 người cách ly tập trung; 1.227 người cách ly tại nhà.