Sáng 27/9, HĐND TP HCM đã triệu tập kỳ họp thứ 11, HĐND khóa VIII với chuyên đề "Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM" lấy ý kiến các đại biểu để thông qua đề án. Thay mặt tổ soạn thảo đề án, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho biết, chính quyền đô thị được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (hiện tại là 3 cấp).
Trong đó, Chính quyền TP HCM vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trực thuộc trung ương, vừa là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Tại mỗi quận tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức Ủy ban Hành chính và chủ tịch Ủy ban này sẽ do chủ tịch UBND TP HCM bổ nhiệm. Còn ở các khu vực đang đô thị hóa sẽ thành lập 4 thành phố, tạm gọi là TP Đông (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức); TP Tây (gồm quận Bình Tân hiện nay, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh); TP Nam (gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của quận 8) và TP Bắc (gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn).
Theo đề án này, ở cấp TP HCM và cấp cơ sở gồm 4 thành phố nhỏ thuộc TP HCM, các xã - thị trấn có đầy đủ HĐND và UBND được bầu theo quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị hành chính hiện hành, ở 24 quận huyện, 259 phường không tổ chức thành một cấp chính quyền, mà chỉ có cơ quan đại diện hành chính (hiện gọi là UBND) của chính quyền cấp trên hoặc chính quyền cơ sở. Mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp.
“Nhưng dù mô hình chính quyền đô thị có hay cách mấy mà không có được sự phân cấp mạnh mẽ, tính tự quyết định và tự chịu trách nhiệm thì sẽ không thể thành công được”, ông Lắm cho biết.
Tại kỳ họp, đa số đại biểu bày tỏ sự nhất trí đối với đề án, song vẫn còn một số ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ và hoàn thiện đề án hơn. Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng việc áp dụng chính quyền 2 cấp tại 4 thành phố vệ tinh và các huyện nông thôn phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, ông Quân tỏ ra băn khoăn về mô hình chính quyền 1 cấp của 13 quận huyện thuộc thành phố trung tâm.
“Theo tôi nên chia 13 quận nội thành cũ thành 3 thành phố Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn và áp dụng theo mô hình 2 cấp như ở 4 ngoại vi để tạo sự thống nhất”, ông Quân đề nghị.
Trong khi đó, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, trong đề án chưa nghe nói tới việc quản lý chuyên ngành đặc thù về lực lượng vũ trang. “Thành phố nên xin trung ương phân cấp về ngân sách, cơ sở vật chất cho vấn đề an ninh quốc phòng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng khi triển khai mô hình chính quyền đô thị”, bà Nhung góp ý.
Còn đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề nghị ban soạn thảo nên tính toán kỹ đối với khu vực nông thôn của thành phố, nếu không mô hình sẽ bị lạc hậu. “TP HCM hiện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, những khu vực nông thôn sẽ nhanh chóng trở thành đô thị. Nên chăng trong đề án chúng ta có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, có thể từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên, khi xin trung ương cơ chế, chúng ta nên xin cái chung cho cả một quá trình”, ông Quân góp ý.
Chủ trì kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá việc xây dựng chính quyền đô thị là vấn đề cần thiết và cấp bách đối với TP HCM. Bà Tâm thừa nhận các đại biểu đã có nhiều ý kiến phân tích xác đáng, làm rõ thêm cho đề án và cũng không phải hoàn toàn thống nhất ý kiến về đề án. Vì vậy, bà đề nghị ban soạn thảo đề án tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn chỉnh đề án để trình Chính phủ.
“Cần có lộ trình khẩn trương xây dựng đội ngũ nhân sự, đáp ứng vận hành tốt khi đề án được triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải cân nhắc các bước đi hợp lý để vận động nhân dân ủng hộ”, bà Tâm lưu ý.
Hữu Công