Ngày 18/5, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố đã thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi đang áp sát địa bàn. Hiện, hai tỉnh giáp TP HCM là Đồng Nai và Bình Phước đã có dịch, trong đó Đồng Nai là nơi chính cung cấp thịt heo cho thành phố. Ở miền Tây, dịch cũng xuất hiện tại Hậu Giang.
TP HCM đang kiểm soát nghiêm ngặt tất cả cửa ngõ, không lấy heo từ các vùng nuôi đang có dịch bệnh. Phía Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi thành lập hai chốt kiểm dịch tại cầu Bến Súc và Phú Cường để kiểm soát nguồn heo nhập từ các tỉnh vào, đồng thời tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển. Huyện này cũng thành lập một đoàn kiểm tra lưu động để kiểm soát nguồn heo từ các tỉnh Tây Ninh, Long An.
Tại cửa ngõ phía Đông, Nam, Tây nhiều chốt kiểm dịch cũng được lập ra trên Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2, quốc lộ 1, quốc lộ 1K, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... để kiểm soát heo từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh miền Tây.
CSGT đường thuỷ Công an TP HCM cũng được giao tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển qua tuyến đường sông.
Thời gian qua lực lượng chức năng đã lấy trên 350 mẫu giám sát, qua phân tích đều âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi. Ban quản lý An toàn thực phẩm và các quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thịt heo bán tại 205 siêu thị, 2.360 cửa hàng tiện ích và 236 chợ truyền thống.
Đối với việc kiểm soát các điểm giết mổ trái phép, UBND TPHCM đã giao lãnh đạo quận huyện chịu trách nhiệm, xử lý kiên quyết. Trong trường hợp dịch xảy ra tại TP HCM, thành phố cũng đã lên phương án ứng phó.
Ông Phùng Đức Tiến (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chỉ ra những tồn tại trong việc phát hiện, xử lý, giám sát dịch tả heo châu Phi trong thời gian qua. Trong đó, nhiều địa phương làm rất tốt trong 24h đầu khi phát hiện dịch nhưng sau đó chưa nghiêm túc thực hiện việc chôn lấp theo quy định. "Họ để xác lợn chết trong chuồng 2-3 ngày hoặc vứt xuống sông, suối trôi dạt khắp nơi gây lây lan dịch bệnh như một số điểm ở Bắc Giang, Thái Nguyên...", ông Tiến nói.
Hay khi đưa lợn chết đi chôn, các địa phương không bao túi nylon, không sử dụng sát trùng nên các dịch tiết, phân, máu... rơi rớt trên đường vận chuyển cũng là yếu tố nguy hiểm làm lây lan dịch bệnh. Nhiều tỉnh chưa kiểm soát được các điểm giết mổ tự phát, người dân còn dùng bình phun thuốc sâu, tưới cây cảnh để phun thuốc sát trùng sẽ không đảm bảo hiệu quả thuốc.
Ngoài việc đề nghị các tỉnh thành làm tốt công tác phòng chống dịch, ông Tiến cũng đưa ra tín hiệu khả quan là 60 xã thuộc 41 huyện của 17 tỉnh thành đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn nhiễm bệnh. Các trang trại, đơn vị chăn nuôi lớn vẫn giữ được đàn, nhất là heo bố mẹ để sẵn sàng cung cấp giống cho thị trường khi dịch qua đi.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh với tổng số heo bị bệnh và phải tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo cả nước.
Duy Trần