Trong văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, UBND TP HCM cho biết, năm 2014 dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng thành phố đã khắc phục và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được Trung ương giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu từ dầu thô) đạt 110,35% dự toán (chỉ tiêu 226.300 tỷ đồng, thu được 252.186 tỷ đồng).
Vì vậy, UBND thành phố kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng thưởng vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 cho thành phố, theo quy định của Luật Ngân sách và Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP HCM. Số tiền đề xuất là 7.994 tỷ.
Với số tiền này, thành phố sẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị Quyết của Bộ Chính trị "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020". Đặc biệt là đầu tư các dự án chống ngập, giải quyết cung cấp nước hợp vệ sinh, trường học, nhà trẻ cho con công nhân trên địa bàn.

TP HCM kiến nghị Trung ương thưởng gần 8.000 tỷ đồng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng của thành phố vì đã thu ngân sách vượt chỉ tiêu được giao. Ảnh: Hữu Công.
Theo UBND thành phố, nhu cầu vốn để đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn là rất lớn, bình quân 35.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, số thu ngân sách thành phố được hưởng theo tỷ lệ điều tiết ngày càng giảm. Sau khi đảm bảo các khoản chi thường xuyên, an sinh xã hội và thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay đến hạn, số vốn dành cho đầu tư phát triển của thành phố còn hơn 6.800 tỷ đồng mỗi năm, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư hàng năm.
Ngoài ra, dù ngân sách còn khó khăn nhưng thành phố đã cân đối để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn di dời, xây dựng trụ sở với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố có kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng do ngân sách Trung ương đầu tư như Dự án xây dựng đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây (2.558 tỷ đồng); Dự án đường nối Đại lộ Đông Tây và Cao tốc Trung Lương (150 tỷ đồng); Dự án quốc lộ 50 qua địa bàn Huyện Bình Chánh (1.280 tỷ đồng).
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Văn Luận - Chánh Văn phòng UBND TP HCM cho biết, gần 8.000 tỷ đồng này là thành phố được hưởng, bởi Luật Ngân sách cho phép "địa phương thu vượt ngân sách thì được điều tiết giữ lại theo tỷ lệ phần trăm". "Về lý, thành phố được giữ lại để đầu tư cho các công trình trọng điểm đang còn thiếu rất nhiều tiền. Đúng ra Bộ Tài chính phải chi cho thành phố từ khi quyết toán năm 2014. Nhưng năm nào khoản dư này cũng bị chậm giải quyết. Bây giờ đưa ra Quốc hội, Bộ lại đề nghị chi cho thành phố 3.150 tỷ thôi thì thành phố không đồng ý nên phải có văn bản kiến nghị", ông Luận nói.
Theo người phát ngôn của UBND TP HCM, hiện ngân sách hàng năm thành phố được giữ lại theo tỷ lệ điều tiết ngày càng giảm, trong khi nhu cầu chi đầu tư thì ngày càng tăng.
"Trước đây, thành phố được giữ lại tới 32%. 3-4 năm trở lại đây chỉ còn 23% nên rất khó khăn trong việc chi đầu tư trở lại, chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn. Trong lúc Hà Nội vẫn được duy trì mức điều tiết hơn 40%. Vì vậy, liên tục nhiều năm qua thành phố đều có văn bản kiến nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nhưng chưa được trung ương chấp nhận", ông Luận cho biết.
Trung Sơn