Việc này nhằm duy trì hoạt động của cơ quan chuyên môn chống thực phẩm bẩn và làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng - trực thuộc UBND TP HCM, thí điểm hoạt động cuối năm 2016. Trước đó, thành phố xin Thủ tướng cho nâng cấp ban này thành Sở An toàn thực phẩm để hoàn thiện chức năng, chuyên môn nhưng chưa được chấp thuận.
Theo UBND TP HCM, trong 3 năm qua, Ban đã thống nhất đầu mối giải quyết các công việc trong lĩnh vực thực phẩm như truyền thông, cấp phép và thanh tra. Ban cũng thành lập các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện và chợ đầu mối để kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh; truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ quận huyện ứng phó kịp thời với các tình huống nghi ngộ độc thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố) cho biết, đơn vị đã xây dựng được 10 đội quản lý an toàn thực phẩm, gồm: 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, được phân công kiểm soát toàn bộ thực phẩm về chợ mỗi đêm; 8 đội quản lý 24 quận huyện. Trong 3 năm qua, việc lấy mẫu, thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm đều tăng gấp nhiều lần so với trước.
"Đây là những cánh tay nối dài của Ban đến tận các ngóc ngách của thành phố. Chúng tôi đã sử dụng 300/400 nhân sự hiện có để cơ cấu vào các đội này và lực lượng thanh tra. Đây cũng là lực lượng chủ chốt trong công tác thanh kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm tại các địa phương", bà Lan nói.
Tuy nhiên, theo bà Lan, dù Ban được giao nhiệm vụ của cơ quan tương đương cấp sở nhưng luật hiện hành không quy định cơ chế hoạt động cụ thể cho thanh tra cấp ban. Do đó, Ban không thể hoạt động theo mô hình của thanh tra sở mà chỉ có thể duy trì hình thức thanh tra chuyên ngành như cấp chi cục.
Theo thống kê của Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, trong 9 tháng cuối năm 2017 không xảy ra vụ ngộ độc nào có quy mô trên 30 người. Năm 2018, thành phố xảy ra 3 vụ ngộ độc với 77 người mắc, không có trường hợp tử vong. Tính đến tháng 6/2019, toàn thành phố chỉ có một vụ ngộ độc với 24 người mắc và không có trường hợp tử vong.
Trong 2 năm (2017-6/2019), các đoàn thanh kiểm tra cả 3 cấp của thành phố đã kiểm tra hơn 111.000 cơ sở, phát hiện hơn 29.000 cơ sở vi phạm (chiếm 26,2%), xử phạt hơn 9.000 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 61,8 tỷ đồng.
Trung Sơn