"Ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục vì giảm khâu trung gian khi hồ sơ không phải qua sở ngành thẩm định hoặc trình UBND thành phố xem xét, quyết định như trước", Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Trương Văn Lắm đánh giá kết quả của việc ủy quyền sau 8 tháng thực hiện tại hội nghị chiều 19/9.
Ông Lắm dẫn một số kết quả cụ thể như giải quyết hồ sơ của quy trình công nhận Hiệu trưởng trường trung cấp tư thục theo quy định là 20 ngày nhưng khi ủy quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện còn 12 ngày.
Hay việc ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào nơi đây đã rút ngắn 8 ngày (42 ngày so với quy định là 50 ngày). Việc này đã giúp doanh nghiệp hoàn thành nhanh các thủ tục để triển khai dự án; mặt khác, Ban Quản lý cũng dễ dàng theo dõi, giám sát và kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp theo hồ sơ đã được duyệt.
"Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp", ông Lắm nói và cho rằng việc bỏ qua khâu trung gian khi thực hiện ủy quyền không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết mà còn giúp tiết kiệm chi phí hành chính, văn thư và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ việc công khai các quy trình giải quyết hồ sơ theo nhiệm vụ ủy quyền trên các phương tiện thông tin và niêm yết tại cơ quan đã góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cũng cho biết vẫn còn một số nội dung hướng dẫn liên quan đến đất đai, quản lý nhà chưa được ban hành kịp thời, do đang rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung ủy quyền, hoặc đang hoàn chỉnh trình UBND thành phố sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Nội dung hướng dẫn về chợ của Sở Công Thương còn chưa cụ thể nên cơ quan, đơn vị còn khó khăn trong thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến nói rằng ủy quyền là chủ trương đúng, góp phần giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và tạo sự chủ động theo nhu cầu của cơ sở. Đặc biệt là tăng trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị khi được ủy quyền, vì thông qua quá trình làm việc có thêm kinh nghiệm và kỹ năng điều hành.
"Người ủy quyền và được ủy quyền đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là một khâu đào tạo và thử thách, đánh giá cán bộ. Anh em làm được công việc thì sẽ làm tốt, anh em nào thiếu kinh nghiệm, không dám chịu trách nhiệm cũng sẽ hiện ra. Chứ đợi đến lúc giao việc mới đào tạo cán bộ thì chậm rồi", ông Tuyến nói và đề nghị người đứng đầu các đơn vị mạnh dạn ủy quyền cho cấp dưới.
Theo ông Tuyến, sau một năm thực hiện ủy quyền chưa thấy nội dung nào sai sót, khuyết điểm. Một số hạn chế, các sở ngành chậm hướng dẫn cũng đã được khắc phục. Tuy nhiên, việc này hiện nay chưa được chủ động, còn phụ thuộc vào ý kiến của sở ngành.
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị trong những tháng cuối năm các sở ngành và quận huyện phải thông tin minh bạch cho người dân và doanh nghiệp về nội dung ủy quyền để họ biết đúng địa chỉ mà đến các cơ quan chức năng giải quyết công việc. Ngoài ra, các đơn cũng được yêu cầu nghiên cứu sâu thêm về lĩnh vực đầu tư công để ủy quyền cho cấp dưới.
"Đầu tư công hiện nay chúng ta thường giải ngân rất chậm trễ, ca thán rất nhiều về thủ tục nhiêu khê, kéo dài. Cho nên có thể nghiên cứu xem có vấn đề gì có thể ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt được", ông Tuyến nói.
Trước đó, ngày 20/10/2018, UBND TP HCM đã ban hành đề án ủy quyền cho thủ trưởng các sở ngành, quận huyện thực hiện 85 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố trên 4 lĩnh vực: đô thị - môi trường; kinh tế - ngân sách - dự án; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội vụ.
Đề án này được cụ thể hóa theo thẩm quyền thành hai quyết định có hiệu lực từ ngày 20/1 năm nay, gồm quyết định số 4712 và 4713.
Trung Sơn