Trưa 3/7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội của TP HCM 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, dựa vào hệ thống quan trắc, đơn vị đã dự liệu được thời điểm bãi rác Đa Phước (Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước) sẽ phát tán mùi hôi khi có gió mùa.
Do đó, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư bãi rác (Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam - VWS) triển khai 10 giải pháp đã làm trước đây, cùng một số yêu cầu bổ sung để giảm mùi, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Các đơn vị chức năng sẽ theo dõi, giám sát mùi tại đây 3 lần một ngày.
Cụ thể, bãi rác phải điều chỉnh thời gian giao nhận chất thải sinh hoạt, bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí thấp để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo gió.
Khi gió lớn, mưa to phải ủi chất thải từ xe rác xuống khu chôn lấp thấp để giảm tác động thời tiết, đồng thời phải liên tục rửa xe vận chuyển rác trước khi ra khỏi bãi.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước phải tăng nhân lực, thiết bị để hạn chế khu mở bãi, thực hiện việc che phủ bằng liner nhanh hơn sau khi chất thải được ủi, đầm nén xong. Gia tăng lớp liner để che phủ rác hàng ngày.
Chủ đầu tư phải sử dụng tối thiểu 5-8 máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng, tăng công nhân kiểm tra, phun xịt thêm hóa chất thân thiện môi trường để khống chế mùi hôi. Hệ thống phun sương cần được lắp đặt trên cột bao quanh khuôn viên công trường nhằm hỗ trợ, ngăn chặn bất kỳ mùi nào phát tán từ bãi chôn lấp.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu bãi rác tiếp tục thu hồi khí để sớm phát điện, hòa lưới điện quốc gia.
Theo ông Thắng, hiện thành phố có 8.900 tấn rác mỗi ngày. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận 5.000 tấn. Bãi này có thiết kế 24 triệu tấn, đã tiếp nhận 13 triệu tấn và núi rác đã cao 27 m.
Về thông tin chuyển 2.000 tấn rác sang nơi khác xử lý, lãnh đạo Sở Tài nguyên cho rằng, giữa Đa Phước và thành phố đã ký kết hợp đồng, muốn điều chuyển cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý nên rất khó thực hiện.
Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng không nên nói đến việc điều chuyển đi nơi khác, quan trọng là tập trung vào việc thay đổi công nghệ xử lý rác. Dân số thành phố đang tăng nhanh, kể cả kinh tế, du lịch... và các ngành nghề khác, nên nhu cầu xử lý rác cũng tăng. TP HCM đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt, chuyển hóa năng lượng bằng điện.
"Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định làm càng nhiều càng tốt theo phương thức mua dịch vụ. Nhà đầu tư cứ làm, chúng tôi thấy được sẽ bỏ tiền ra mua. Xử lý rác theo công nghệ cao rõ ràng là nhu cầu lớn của thành phố", ông Hoan khẳng định.
Hơn tháng nay người dân các chung cư, biệt thự ở Phú Mỹ Hưng (quận 7) và nhiều khu dân cư Nam Sài Gòn tiếp tục bị mùi hôi thối từ Đa Phước tấn công. Mùi xuất hiện đậm đặc lúc sau mưa, rạng sáng hoặc khi có gió Tây Nam khiến họ phải thường xuyên đóng kín cửa, sinh hoạt bị đảo lộn.
Tình trạng này cũng xảy ra vào các năm trước, nặng nhất là hồi giữa năm 2016, khiến người dân gửi đơn kêu cứu nhiều nơi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ.
Theo UBND TP HCM, hoạt động của các nguồn phát thải trong Khu Liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Đây là khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.600 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại thành phố.
Giữa năm ngoái, VWS bị Tổng cục môi trường xử phạt 1,5 tỷ đồng, yêu cầu chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ nước thải đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng rất khó khắc phục mùi hôi từ bãi rác, những giải pháp thành phố và VWS đưa ra chỉ là trước mắt. Về lâu dài cần đào hố sâu, ở dưới có lớp vải địa chất, đổ và nén rác sau đó phủ lớp đất và vôi lên trên. Làm như vậy để bãi rác không cao thêm, có thời gian phân hủy.
Để thay thế phương pháp chôn lấp rác đã lạc hậu, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân cuối năm 2017, TP HCM lần đầu tiên tổ chức hội nghị nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt, phát điện.