Kênh Hàng Bàng chạy từ Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) dài khoảng 1.400 m bắt đầu được đào lại từ năm nay để khơi thông dòng chảy, điều tiết nước, chống ngập cho khu vực. Hiện, hàng chục ngôi nhà từ kênh Lò Gốm đến đường Bình Tiên (dài khoảng 200 m) được dỡ bỏ phục vụ việc giải tỏa trong gian đoạn 1 của dự án.
Theo báo cáo của UBND quận 6, việc giải tỏa, đào lại kênh Hàng Bàng trải qua ba giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2000, đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài khoảng 600 m bị ô nhiễm nghiêm trọng. Giải pháp cải tạo kênh tốt nhất được đưa ra là lấp con kênh lại bằng việc lắp đặt cống hộp. Sau đó người dân xây nhà hai bên nên con kênh chỉ còn lại lối đi đổ xi măng rộng chừng 3 m nằm giữa hai dãy nhà. Đoạn đường này trở thành cửa sau, lối đi cho hàng trăm hộ dân và nhiều người dùng làm nơi phơi quần áo, vui chơi hàng ngày.
Theo kế hoạch khai thông lại, dòng kênh Hàng Bàng được đào rộng 11 m như ban đầu, hai bên sẽ trồng cây xanh. Như vậy, toàn bộ khu nhà nằm giữa đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe (chạy song song với kênh Hàng Bàng) có chiều ngang chừng 30 m, với gần 950 hộ dân ở dọc hai bên dòng kênh (từ đường Lò Gốm đến Ngô Nhân Tịnh) sẽ bị giải tỏa trắng.
Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6 Võ Văn Vân cho biết, đào lại kênh Hàng Bàng sẽ giảm tải nước cho kênh Lò Gốm cạnh đó vốn quá tải trong nhiều năm nay gây ngập úng nhiều điểm tại khu vực.
“Việc đào lại kênh cũng giảm mối lo ô nhiễm môi trường bởi rác ùn ứ lại quá nhiều giữa các khu dân cư trong khi kênh quá hẹp không thể lưu thông. Hơn nữa, đào lại kênh sẽ tăng mảng xanh, không gian cho người dân đồng thời giúp chỉnh trang đô thị”, ông Vân nói.
Ngoài đoạn giữa kênh Hàng Bàng khoảng 600 m bị lấp năm 2000, ở 2 đầu kênh vẫn được mở. Tuy nhiên dòng kênh bị lấn chiếm hiện rộng chưa tới 2 m, nước, rác tù đọng bốc mùi hôi nồng nặc.
Theo Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, tại TP HCM có khoảng 100 kênh rạch bị san lấp, biến mất trong quá trình đô thị hóa với tổng diện tích hơn 4.000 hecta. Nhiều con kênh lớn hiện bị lắp đặt cống hộp thành đường như một phần kênh Tân Hóa (quận Bình Tân), Nhiêu Lộc (đoạn quận Tân Bình)…
Duy Trần