Phương án đầu tiên là nghỉ Quốc khánh 4 ngày, từ 2 đến 5/9 hàng năm. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn), ngày Quốc khánh ở Việt Nam gần với ngày khai giảng và ngày 5/9, nhiều bố mẹ thường nghỉ làm để đưa trẻ đến trường. Do đó, Tổng Liên đoàn đề xuất nghỉ thêm ngày 3 và 4/9 để các gia đình chuẩn bị, ngày 5 để các phụ huynh đưa trẻ đến trường.
Phương án 2 là nghỉ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch (từ ngày 1 đến 3/1) và nghỉ một ngày vào ngày gia đình VN (28/6).
Theo ông Hiểu, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn đã thống nhất và sẽ kiến nghị với Quốc hội hai phương án trên vào dự thảo Bộ luật Lao động đang được lấy ý kiến. Việc tăng thêm ngày nghỉ lễ sẽ giúp cho người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và có thêm thời gian chăm lo gia đình.
Về đề xuất trên, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) cho biết, việc đưa nội dung thêm ngày nghỉ lễ vào dự thảo Bộ luật Lao động hiện thuộc thẩm quyền của Ủy ban các vấn đề xã hội; cũng với nhận thức số ngày nghỉ trong năm của người lao động Việt Nam là thấp so với thế giới (tổng số 10 ngày), nên Bộ Lao động Thương binh Xã hội từng nghiên cứu đề xuất thêm ngày nghỉ 27/7, song chưa nhận được đồng tình của Quốc hội.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từng bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 để tri ân người có công. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV nhiều đại biểu cho rằng việc lấy ngày 27/7 là không phù hợp. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ rút đề xuất này.