"Ở cơ quan mọi người thường gọi đùa gia đình em là 'Gia đình Hải quân' bởi ông xã là thiếu úy chuyên nghiệp, bố chồng cũng là thuyền trưởng tàu của Vùng 4 Hải quân", Trần Thị Thủy (24 tuổi), cán bộ Văn phòng bảo mật, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (đóng tại Khánh Hòa), hồ hởi mở đầu câu chuyện.
Thủy cùng cô con gái Navy. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Khi thiếu úy Phương ngã xuống trong tư thế quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988, Thủy đang trong bụng mẹ. Bà Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ Phương đã đặt tên cho con gái là Thủy - nghĩa là nước- với ước mong rằng, cái "mạch nguồn" ngọt ngào ấy sẽ chảy mãi, kết nối hai anh chị ở bên nhau.
Trong ký ức tuổi thơ, qua những câu chuyện mẹ kể, Thủy chỉ biết bố đi chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa. Ngày Thủy lên bốn tuổi, hài cốt của liệt sĩ Phương được đưa về quê nhà, yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã. "Lúc đó mẹ bảo bố đã về, em đưa mắt nhìn ngơ ngác nhìn. Đến lúc cầm nén hương thắp cho bố và thấy mẹ khóc, em mới ý thức được ông đã hi sinh", Thủy bồi hồi nhớ lại.
Những ngày sau đó, ngôi mộ của liệt sĩ Phương nằm cách nhà chưa đầy 100m là nơi Thủy thường lui tới chơi đùa. Cô bé còn cẩn thận ngắt từng bông hoa trồng được trong vườn nhà ra đặt lên mộ phần, tâm sự khi vừa bị mẹ đánh đòn hay khoe với bố được cô giáo cho điểm 10…
Có lúc Thủy nhìn chằm chằm vào di ảnh của bố, rồi lại chạy đến soi gương rồi khoe với mẹ "nhìn con giống bố lắm phải không mẹ, mai này con lớn nhất định sẽ theo nghiệp bố để được mặc chiếc áo hải quân". Bà Hoa lại ôm cô con gái vào lòng, nước mắt trực trào.
Tốt nghiệp trường hệ cao đẳng ngành Việt Nam học tại trường Đại học Quảng Bình năm 2009, Thủy làm mọi người bất ngờ khi làm đơn xin đi làm việc tại Trường Sa. Bà Hoa sau một hồi suy đi tính lại, nói với con gái: "Mẹ chỉ có mình con, thân gái dặm trường đã ra Trường Sa thì phải gắng làm tốt nhiệm vụ, môi trường quân ngũ khắc nghiệt lắm". Trước hôm lên đường, Thủy ôm mẹ động viên: "Con là con gái của bố Phương, nhất định Trường Sa sẽ là ngôi nhà thứ hai của con".
Thủy tâm sự rằng những chuyến ra đảo Trường Sa là những lần để lại trong cô nhiều cảm xúc nhưng nhớ nhất vẫn là lần thứ hai cô đạp sóng ra biển. "Em đang say sóng thì các chú Hải quân gọi dậy, bảo là đang đi qua vùng đảo Gạc Ma. Phóng tầm mắt ra xa, em như nhìn thấy cha đang đứng dưới lá cờ Tổ quốc", Thủy bồi hồi kể.
|
Lữ đoàn 146 không còn những người lính cùng thời với liệt sĩ Phương, nhưng khi biết Thủy là con gái người anh hùng, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ. Và câu chuyện tình Trường Sa của Thủy với chàng thiếu úy Nguyễn Hồ Hải cũng được dệt lên từ những đợt sóng xô bờ.
"Vốn cùng quê, em và anh Hải quen nhau từ ngày em đi thực tập nhưng hầu như chỉ nói chuyện vu vơ qua điện thoại. Khi vào làm việc tại đây, chúng em có thêm nhiều kỷ niệm đẹp và quyết định đi đến hôn nhân", Thủy kể và cho biết nhiều lúc ngồi nghĩ hai cái tên Thủy – Hải có sự gắn kết như duyên tiền định.
Rồi ngày cô con gái chào đời, hai bên nội ngoại đang loay hoay tìm cái tên để đặt cho cháu thì hai vợ chồng Thủy đã đề nghị đặt tên con là Nguyễn Trần Navy. Nhiều người thắc mắc, Thủy giải thích ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục: "Navy theo tiếng Anh có nghĩa là Hải quân ạ!".
Bé Navy 18 tháng, xinh xắn, cười giòn tan trong vòng tay của bà ngoại, mẹ. Lâu lắm bé không được gặp bố Hải vì anh đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội. Bị trúng đạn, Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hiên ngang giữ ngọn cờ chủ quyền tại đảo Gạc Ma và hô vang: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của hải quân Việt Nam anh hùng". |
Nguyễn Đông