Gần nửa thế kỷ trước, ngày 20/11/1971, lần đầu tiên một "pháo đài bay" B52 bị tiêm kích Mig-21 bắn trúng trên bầu trời khu 4 (Bắc Trung Bộ).
Với cựu phi công Mỹ David Robert Volker, người có mặt trong tổ bay lái B52 bị bắn trúng đêm đó thì đây là câu chuyện khiến ông khó quên nhất đời binh nghiệp nên năm 2013 sau khi nghỉ hưu, Volker quyết tâm tìm lại người lính Việt Nam suýt bắn hạ mình năm xưa. Ông tìm đọc lại hồ sơ về trận chiến và biết được phi công lái Mig-21 đêm đó có tên Vũ Đình Rạng.
Với lòng ngưỡng mộ và quý trọng người lính can đảm ở bên kia chiến tuyến, tháng 10/2018, Volker đến Việt Nam thăm ông Rạng. Vừa gặp nhau, Volker thốt lên: "Ông là phi công tôi rất thán phục. Tôi quá may mắn mới không bị bắn rơi ngay đêm đó".
"Dù lần đầu tiên gặp mặt, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự chân tình dành cho nhau như những người bạn thân thiết xa cách lâu ngày mới gặp lại", cựu phi công, thương binh Vũ Đình Rạng chia sẻ và cho biết ông rất cảm động khi được Volker tặng bức tranh mô tả sự kiện chiếc Mig-21 do ông cầm lái tấn công B52 trên bầu trời miền Trung năm 1971. Mặt sau bức tranh là tấm ảnh với chữ ký của Volker cùng tổ bay B52.
"Vũ Đình Rạng là phi công xuất sắc. Với chiếc máy bay lạc hậu hơn nhưng ông ấy đã lập chiến công lớn. Đó là người anh hùng", cựu phi công Mỹ Volker bày tỏ và khẳng định, ông Rạng là phi công đầu tiên ngăn chặn thành công B52 bằng Mig-21.
Ông Rạng trở thành phi công lái Mig-21 từ năm 1968, thuộc trung đoàn 921, sư đoàn 371, sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo cấp tốc ở Liên Xô.
Mỗi chiều, ông Rạng cùng đồng đội xuất phát từ Nội Bài vào sân bay Anh Sơn (Nghệ An) để săn lùng B52. Nhưng hơn một năm, ông vẫn chưa tiếp cận được "pháo đài bay không thể tiêu diệt" của Mỹ.
Chiều 20/11/1971, đến phiên trực chiến, ông Rạng bay từ Nội Bài vào Anh Sơn để sẵn sàng xuất kích. Thường ngày, Việt Nam chỉ bố trí một Mig tuần tra trên bầu trời khu 4. Nhưng đêm đó, ông Rạng và đồng đội đã "giăng bẫy" khi bố trí một chiếc Mig-21 khác ở sân bay Vinh (Nghệ An).
19h40, Sở chỉ huy thông báo có dấu hiệu B52 chuẩn bị đánh phá. Chiếc Mig-21 đầu tiên cất cánh, bay tuần tra nhiều vòng rồi trở về căn cứ. Phía Mỹ đã "mắc bẫy", cho rằng Mig không còn hoạt động nữa.
20h, ba chiếc B52 cất cánh từ căn cứ không quân U-Tapao (Thái Lan), hướng về đường 20 để chuẩn bị cho đợt oanh tạc. Khi vừa cất cánh thì máy bay của David Robert Volker gặp trục trặc. Hệ thống radar và một trong hai radio liên lạc không hoạt động. "Nếu gặp máy bay Việt Nam, chúng tôi không thể phát hiện mục tiêu bằng mắt thường vào ban đêm và khó khăn khi liên lạc với máy bay khác trong phi đội", ông kể.
Sự cố khiến chiếc B52 của Volker phải nhường quyền chỉ huy phi đội cho máy bay khác, nhưng ông không lo lắng, bởi chưa từng đụng độ với Mig hoặc tên lửa đất đối không SAM của Việt Nam.
Bốn mươi phút sau, từ sân bay Anh Sơn, ông Rạng cùng chiếc Mig-21 được lệnh xuất kích với hi vọng sẽ "tóm" được B52 của Mỹ.
Để tránh địch phát hiện, ông Rạng bay theo phương án đã chuẩn bị sẵn, không liên lạc với sở chỉ huy, không mở radar, bay thấp 1.000 m. Đến Tân Ấp (Hà Tĩnh), ông nhận được thông báo phát hiện B52 cách đó 80 km. Ông lập tức tăng tốc, kéo máy bay lên cao, đổi hướng về phía sau phi đội Mỹ.
Đến địa phận đường 20, cách phi đội B52 khoảng 15 km, chiếc Mig-21 của ông Rạng đã đạt độ cao 9.000 m. Lúc này, ông mới bật radar và không tin vào mắt mình khi thấy ba chiếc B52 hiện trên màn hình cùng lúc, chiếc đầu tiên cách ông 11 km, chiếc thứ hai 8 km, chiếc thứ ba 5 km.
Vì đang ở độ cao thấp hơn, đường ngắm chưa ổn định, nên ông quyết định ngắm bắn chiếc xa nhất. Mig-21 được tăng tốc lên 1.400 km/h. Đến khoảng cách 2 km, chàng phi công trẻ dồn hết tinh lực bấm nút phóng tên lửa. "Tôi cảm nhận rất rõ tên lửa lao ra rất căng, phụt về phía trước", ông nhớ lại và đinh ninh là đã bắn trúng mục tiêu.
Cùng thời điểm đó, trong chiếc B52, David Robert Volker và đồng đội ngồi trong buồng lái, bỗng giật mình nghe tiếng nổ lớn cùng ánh lửa bùng lên dưới cánh trái máy bay. Nhưng may mắn là máy bay đang ngoặt sang bên, nên tên lửa không trúng trực diện.
"Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Radar của chúng tôi bị hỏng và xạ thủ phía sau không thể nhìn thấy chiếc Mig-21. Không ai cảnh báo chúng tôi khi phi công Rạng tiếp cận và tấn công", Volker nhớ lại.
Tên lửa của ông Rạng làm hỏng bình nhiên liệu bên cánh trái máy bay của Volker. Phi đội B52 Mỹ phải thả bom xuống mục tiêu thứ cấp khác để trở về căn cứ. Máy bay của Volker vừa đủ nhiên liệu ở bên cánh còn lại để đáp xuống.
Bốn tháng sau đó, Mỹ ngừng ném bom đường 20 để tìm phương án đối phó với Mig-21. Vì vậy, tuyến đường chi viện từ Bắc vào Nam qua khu 4 được thông suốt.
"Trước đây, chúng tôi là những người lính, chiến đấu vì mệnh lệnh cấp trên và lý tưởng của mỗi bên. Chúng tôi may mắn trải qua chiến tranh mà vẫn còn sống đến bây giờ. Nay Volker là người bạn tuyệt vời của tôi", ông Rạng chia sẻ cảm nhận về người bạn từng là đối thủ trên bầu trời của mình.