Kết quả cập nhật mới nhất (ngày 8/9) của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua kiểm tra thực tế ngày 31/8 và quá trình đấu tranh với doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói: "Ước tính 15,2-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường".
Rạng Đông hiện sản xuất ba loại bóng: đèn huỳnh quang, đèn compact và bóng đèn tròn. Mỗi bóng đèn huỳnh quang chứa 30 mg thuỷ ngân lỏng; mỗi bóng đèn compact chứa một viên Amalgam (hỗn hợp của kẽm, thủy ngân và bismut) trong đó hàm lượng thủy ngân kim loại là 22-30%.
Trong khi đó, tại thông báo gửi UBND quận Thanh Xuân và các cơ quan quản lý cấp trên ngay sau vụ cháy, Công ty cho biết từ năm 2016 đã sử dụng Amalgam để thay thế thuỷ ngân lỏng.
Báo cáo của Tổng cục Môi trường còn nêu: Đa số mẫu không khí tại các vị trí trước cửa trạm oxy bên trong công ty; phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình; cách công ty 200 m, 500 m và 1.000 m có dư lượng thuỷ ngân trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO.
Duy nhất mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho bị cháy có giá trị thuỷ ngân vượt 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ) so với tiêu chuẩn của Việt Nam và vượt 1,532 lần ngưỡng khuyến cáo của WHO.
Thông tin này khác với số liệu được Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân công bố tại cuộc họp báo chiều 4/9 rằng các điểm quan trắc không khí phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có "giá trị thủy ngân cao", vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
18h ngày 28/8, lửa bùng lên tại nhà kho của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở số 87-89 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Hiện, nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân gây cháy. Vụ hoả hoạn không gây thiệt hại về người.