Ngày 3/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi các cơ quan trung ương và địa phương yêu cầu tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, dịch đã lây lan ra hơn 3.000 xã, thị trấn của 52 tỉnh, thành với 2 triệu con buộc phải tiêu huỷ; nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan ra thêm nhiều địa phương.
Ban bí thư, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng thời gian qua việc tổ chức tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh chưa kịp thời, không đảm bảo yêu cầu, làm lây lan dịch, ô nhiễm môi trường. Một số địa phương xảy ra tình trạng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn. Công tác kiểm dịch chưa đúng quy định, không chặt chẽ khiến nhiều người tự phá huỷ niêm phong, bán lợn bệnh.
Vì vậy, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị để chống dịch với phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc". Đồng thời, lợn bị nhiễm bệnh phải được phát hiện kịp thời, tiêu huỷ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế lây lan, không gây ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn bệnh; khai không đúng số lượng, trọng lượng lợn buộc phải tiêu huỷ.
Hệ thống thú y các cấp cần được kiện toàn theo Luật Thú y để chủ động giám sát, phát hiện, xử lý lợn bệnh; kiểm soát vận chuyển và giết mổ lợn theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản... để bù đắp thiếu hụt thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 2/2019 tại Hưng Yên. Đầu tháng 6, Đà Nẵng là địa phương mới nhất phát hiện có lợn nhiễm dịch.