Sáng 21/10, báo cáo Quốc hội tại lễ khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Với tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Mô hình tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng.
Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2016. Bội chi ngân sách năm 2019 là 3,4% GDP, nợ công giảm còn 56,1% GDP, giảm 5,5% so với 2016.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khoảng 7,9%. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng vẫn tồn tại những yếu tố chưa vững chắc, như giải ngân đầu tư công chậm, tái cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu... Những tồn tại này do nguyên nhân khách quan là chủ yếu, trong đó một bộ phận cán bộ, công chức còn quan liêu, kỷ cương buông lỏng. "Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm sau thanh tra, kiểm tra tại không ít cơ quan, đơn vị", ông nhận xét.
Về tình hình biển Đông, Thủ tướng nói "gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao".
"Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước", ông nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Mục tiêu năm 2020, Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%; lạm phát dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 - 1,5%...
Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành... "Phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại; đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước", ông nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, Ủy ban này cơ bản đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra cho năm 2020, trong đó nhấn mạnh tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát; đẩy nhanh thực hiện đồng bộ, chất lượng các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin..
Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền. "Chủ động nắm, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, an ninh nông thôn, các vùng nhạy cảm", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Kỳ họp cuối năm 2019 của Quốc hội dự kiến bế mạc vào 27/11; trong 27 ngày làm việc, các vị đại biểu sẽ xem xét tình hình kinh tế - xã hội, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông, phê chuẩn hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia, giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018...