Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo (viết tắt là Đề án cán bộ trẻ).
Theo đó, công chức dưới 35 tuổi ở Đà Nẵng có thể được cấp trên tiến cử vào những vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Hồng (Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng) về Đề án.
- Mục tiêu của việc tạo ra cơ chế tiến cử cán bộ trẻ là gì, thưa ông?
- Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách lớn nhằm tạo nguồn cán bộ dồi dào, được đào tạo bài bản như thu hút nhân tài, cử cán bộ tham gia đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ cho các chức danh chủ chốt phường, xã…
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã có chủ trương và đề nghị các Thành ủy viên tiến cử cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để Thành ủy quan tâm theo dõi, tạo điều kiện phát triển. Từ đó, Đà Nẵng đã chuẩn bị được đội ngũ kế cận, khắc phục dần tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ; chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao...
Tuy nhiên, công tác cán bộ trẻ còn một số mặt hạn chế như: Tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa bảo đảm theo quy định, cơ cấu cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Trong khi đó, Đà Nẵng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quá trình thực hiện chủ trương thu hút nhân tài và Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo được nguồn cán bộ dồi dào, được đào tạo bài bản, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể để phát huy hết hiệu quả những cán bộ này. Đây chính là sự cần thiết phải ban hành Đề án với mục tiêu tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhận các chức danh lãnh đạo quản lý và phấn đấu đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ đến đạt tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy theo quy định của Trung ương.
- Vì sao Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng không đưa ra số tuổi là 40 hay 30 mà lại chọn khung dưới 35 tuổi?
- Bên cạnh các yếu tố được đào tạo bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có năng lực, có uy tín, có thành tích trong thực tiễn công tác như tiêu chuẩn của Đề án đã quy định… thì ở độ tuổi dưới 35, cán bộ vừa có thời gian trải nghiệm thực tiễn sau một thời gian tốt nghiệp đại học, đồng thời còn đủ thời gian để được đào tạo và thử thách rèn luyện trước khi tính toán bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn, đáp ứng quy định hiện nay của Trung ương về độ tuổi cán bộ trẻ cấp tỉnh, thành là dưới 40. Đó là lý do để thành phố xem xét đưa ra tiêu chuẩn "có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia đề án".
- Việc tiến cử cán bộ có ưu điểm gì không so với tập thể bầu, hay thi tuyển?
- Được tiến cử tham gia Đề án không có nghĩa là mặc nhiên cán bộ đó sẽ vào các vị trí chủ chốt của thành phố.
Trong Đề án cũng đã nêu rõ sẽ "đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao". Điều này có nghĩa việc tiến cử cán bộ tham gia Đề án chỉ là bước đầu của một quá trình xem xét đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trước khi đảm nhận các vị trí chủ chốt.
Trong Đề án cũng có nội dung sẽ "tăng cường tổ chức cho cán bộ tham gia Đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương". Vì vậy, chúng ta cần xem xét tính liên tục, tương quan của quá trình tiến cử tham gia đề án, đào tạo thử thách, sàng lọc lựa chọn vào vị trí cũng như phát triển cán bộ ở cấp cao hơn.
- Có ý kiến lo ngại khi tiến cử sẽ khó tránh khỏi được việc người tiến cử sẽ đề bạt người thân quen, chứ không thiên về tài đức. Biện pháp hạn chế tình trạng này là gì?
- Theo quy định của Đề án thì người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển; sẽ được biểu dương, khen thưởng khi cán bộ lập được thành tích và phát triển tốt, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền.
Do vậy, có thể không quá lời khi nói rằng uy tín của người tiến cử gắn liền với kết quả của người được tiến cử, thậm chí người tiến cử có khi phải đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào việc tiến cử cán bộ. Và biện pháp hạn chế tình trạng trên chính là cơ chế sàng lọc, đánh giá thông qua việc thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo cả tập thể cấp ủy, tập thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi người được tiến cử đang công tác.
Trên cơ sở đánh giá cán bộ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị loại khỏi Đề án những người không có triển vọng phát triển, người chưa xứng đáng như đã đề cập ở trên, để tránh xảy ra những trường hợp tiến cử không dựa trên tiêu chuẩn quy định. Tôi tin rằng cán bộ cấp trên sẽ hết sức suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn trước khi tiến cử nhân sự trẻ tham gia Đề án lần này.
- Có ý kiến cho rằng việc động viên người lớn tuổi nghỉ hưu để dành vị trí cho cán bộ lãnh đạo trẻ không dễ thực hiện. Ông nghĩ sao?
- Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực rất nhiều trong việc đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.
Rất may mắn rằng cán bộ của thành phố nói chung và đa số cán bộ lãnh đạo các cấp lớn tuổi nói riêng đều có sự nhìn nhận, đồng thuận tích cực đối với việc quan tâm, tạo điều kiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề khó là việc làm sao để xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ đủ tâm và tầm để đảm nhận trách nhiệm tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị "giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại".
Nguyễn Đông