Thứ năm, 12/12/2024
Chủ nhật, 26/1/2020, 07:45 (GMT+7)

Tết ở làng cao su thời Pháp thuộc

Bình DươngLàng cao su được tái hiện trong vườn cây cổ thụ gần 100 năm tuổi với nhiều vật dụng sinh hoạt, nét văn hoá Tết xưa của người Việt.

"Ngôi làng" của phu mủ cao su được tái hiện bên trong Di tích lịch sử Vườn cây cao su thời Pháp thuộc rộng 5 ha tại nông trường Trần Văn Lưu, xã Đinh Hiệp, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.

Ngôi làng gồm nhiều nhà phu công tra, cảnh sinh hoạt, đấu tranh... nằm dưới những tán cây cao su cổ thụ gần 100 tuổi.

Cuộc sống khó khăn, vất vả song những phu mủ vẫn luôn nhớ về cội nguồn, họ cúng vái trời đất mỗi mùa Tết đến bên gốc mai trước nhà. "Phu công tra được chủ đồn điền cao su thuê vào làm việc từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Tết đến, họ vẫn giữ những nét văn hóa của ông bà tổ tiên", ông Trần Văn Hùng, 68 tuổi, ở xã Đinh Hiệp, người cháu của một nữ phu mủ từng làm việc ở Dầu Tiếng kể. 

Hoạt cảnh tái hiện một phụ nữ cần cù, lam lũ trong những ngày cận Tết bên bếp lửa.

Nồi bánh chưng, đặc trưng của Tết Việt được tái hiện trong khu Di tích Vườn cây cao su thời Pháp thuộc. 

Di tích vườn cây cao su thời Pháp thuộc ở lô 49, 50 của đồn điền cao su Công ty Michelin Pháp. Từ những năm 1925, hàng nghìn người lao động được đưa đến để cạo mủ, có thời cao điểm lên đến hàng trăm nghìn người. Công việc chính của họ là khai phá đất rừng, cạo mủ... và phục vụ nhà máy sản xuất lốp xe.

Cuộc sống cực khổ khiến nhiều công nhân vùng dậy đấu tranh. Năm 1936, hàng nghìn công nhân làng một và làng 14 đã đứng dậy chống lại việc quản lý hà khắc, bóc lột kiệt quệ của chế độ cai trị. Cuộc đấu tranh đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân ở Dầu Tiếng. 

Ngôi nhà bằng đá dài chừng 10 m, rộng 4 m được tái hiện theo kiểu nhà do chủ đồn điền xây dựng cho công nhân vào những năm 1925 - 1935. Đây là căn nhà dành cho phu mủ cao su thường có hai gia đình với cơ sở vật chất thiếu thốn.

Khung cảnh sinh hoạt ngày thường của phu công tra những lúc rảnh rỗi. Trong nhà có chiếc chõng tre và con chó, hình ảnh quen thuộc của người Việt.

Một góc bếp xưa trong căn nhà phu công tra.

Máy móc nhằm sản xuất mủ cao su còn lưu lại sau gần 100 như chứng tích lịch sử của vùng đất "rừng thiêng nước độc" bên thượng nguồn sông Sài Gòn. 

Một gốc cao su cổ thụ còn sót lại trong khu vườn được trồng năm 1920. "Vườn cây cao su thời Pháp thuộc" được UBND tỉnh Bình Dương công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009. Đến năm 2010, ngôi làng cao su được "mô phỏng" để phục vụ công tác giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử ngành cao su, phong trào đấu tranh của dân tộc. 

Phước Tuấn