Cẩu chiếc xe về cơ quan công an để phục vụ điều tra. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo các nhân chứng, xe khách 15 chỗ biển Thái Nguyên đã cố tình vượt đường ngang khi thiết bị cảnh báo bên đường réo chuông và đoàn tàu đang hú còi lao đến. Khoảng cách giữa ôtô và tàu hỏa không đủ để chiếc ôtô kịp băng qua. Một tiếng rầm vang lên, đuôi xe khách bị đầu tầu húc quay một vòng 180 độ rồi văng vào dải phân cách giữa đường sắt và quốc lộ 1A.
Cú va chạm mạnh khiến 7 người ngồi ở giữa và đuôi xe tử nạn tại chỗ. 2 người khác chết trên đường tới bệnh viện. Trong đó, hai nạn nhân bị kẹp giữa thành ôtô và dải phân cách khiến lực lượng hỗ trợ rất khó khăn gian mới đưa được ra ngoài. Tài xế cùng 4 người ngồi ở phía đầu xe chỉ bị thương nhẹ.
Chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn, ông Lê Văn Đàn, 69 tuổi, người ngồi ngay cạnh tài xế, cho biết xe khách chở khoảng 20 người là anh em, họ hàng đi ăn cưới một người bà con ở xã Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội) và đang trên đường trở về quê Thái Nguyên.
"Khi đến gần đường sắt, dù tàu hú còi, thiết bị cảnh báo bên đường réo chuông, tôi đã hét lên, nhưng tài xế còn mải nói điện thoại", ông Đàn kể.
Cột đèn tín hiệu giao thông bị đâm đổ cũng được đưa về cơ quan điều tra. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đến 18h chiều 30/3, theo xác minh của cơ quan chức năng, trong 7 người tử nạn tại chỗ được đưa vào Bệnh viện huyện Thường Tín, có 2 nam thanh niên và 5 phụ nữ.
Trong 11 người bị thương được đưa về Bệnh viện Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội) có một số trường hợp nặng phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Trong đó có tài xế và đôi vợ chồng trẻ cùng cháu nhỏ 9 tháng tuổi ngồi ở phía đầu xe.
Sau khoảng một tiếng chờ xử lý tai nạn, tàu SE8lại tiếp tục hành trình về ga cuối Hà Nội. Chiếc xe khách màu ghi hư hỏng nặng cũng được di dời khỏi hiện trường để phục vụ công tác điều tra.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường ngang dân sinh trên không có gác chắn, chỉ có có thiết bị cảnh báo tự động. Một biển báo đã bị tàu kéo đổ. Do va chạm không mạnh nên đầu tàu không bị hư hỏng.
"Nguyên nhân tai nạn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra", ông Bình nói.
Đoạn đường sắt Hà Nội - Nam Định được gọi là "cung đường tử thần" vì có hàng trăm điểm giao cắt, tiềm ẩn nhiều tai nạn nhất trong suốt hành trình hơn 1.700 km từ Hà Nội vào TP HCM. Gần đây nhất ngày 6/8/2010, tại địa phận huyện Duy Tiên (Hà Nam), sau cú húc văng xe tải, 3 toa tàu Thống Nhất đã bị lật nghiêng. Hơn 300 hành khách trên tàu an toàn, nhưng lái tàu Trương Xuân Thức đã mang thương tật suốt đời. Trước đó, trưa 22/11/2009, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), xe khách 30 chỗ đang chở một đám ăn hỏi qua đường ngang giao cắt với đường sắt, đã bị tàu hỏa TN1 Hà Nội - TP HCM húc bẹp, 9 người đã tử nạn. |
Hoàng Hà - Bá Đô