Tối 8/1, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bên liên quan để nghe báo cáo về vụ tai nạn xe khách lao xuống vực đèo Hải Vân vào trưa cùng ngày.
Ông Lê Quốc Phòng - Trưởng chi cục quản lý đường bộ II.6 cho hay, khúc cua nơi xảy ra tai nạn đã được đặt biển cảnh báo đường đèo nguy hiểm lâu nay, "tuy nhiên tầm nhìn có thể bị khuất và độ dốc lớn".
"Tài xế khai do xe mất phanh dẫn đến tai nạn chứ không phải do tuyến đường", ông Phòng nói.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung thêm: "Đoạn đường xảy ra tai nạn có ta luy, song tài xế ở Sóc Trăng không quen đường đèo Hải Vân nên có thể không xử lý kịp tình huống. May là chiếc xe lao xuống vực khoảng 30 m thì dừng lại vì có cây rừng, phần nào giảm được thương vong".
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cũng cho biết, cách vị trí xe khách chở đoàn sinh viên gặp nạn chừng 50 m từng xảy ra một vụ tai nạn xe bồn vào năm 2016 làm hai người chết.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn - Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, tài xế xe khách bị thương nhẹ và kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy người này không sử dụng ma tuý hay uống rượu bia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng tại "điểm đen" lâu nay ở đèo Hải Vân, do đó cơ quan chức năng địa phương cần sớm có biện pháp để tránh những tai nạn tương tự.
"Nghiên cứu bổ sung thêm đường, hốc tránh nạn trên toàn tuyến đèo; sửa chữa lại mặt đường; làm lan can hai tầng hoặc lan can cứng, chịu lực để có thể giữ xe lại trong trường hợp tai nạn; bổ sung thêm cảnh báo cho tài xế; xây dựng các trạm dừng nghỉ tại hai đầu đèo...", ông đề nghị.
Theo Bộ trưởng, tuyến quốc lộ 1A đã có hầm Hải Vân nên các tài xế xe du lịch không quen đường cần hạn chế đi đường đèo. "Nếu du khách muốn tham quan thì nên thuê tài xế ở Đà Nẵng hoặc Thừa Thiên Huế đã quen với tuyến đường này", ông nói thêm và đề nghị ngành công an sớm làm rõ nguyên nhân "xem trách nhiệm thuộc về ai, có phải do mất phanh như lời tài xế hay không".
Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho biết, trong số 20 sinh viên trường cao đẳng Kiên Giang trên xe khách gặp nạn, một người đã tử vong trên đường đi cấp cứu; 10 trường hợp chấn thương nặng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa, còn lại ở Trung tâm y tế quận Liên Chiểu.
"Một nữ sinh được taxi đưa đến viện trong tình trạng cánh tay bị đứt lìa vẫn ở hiện trường. Chúng tôi yêu cầu lực lượng chức năng tìm cánh tay và chuyển ngay đến bệnh viện", ông Nhân nói.
Ca phẫu thuật nối lại cánh tay cho nạn nhân kéo dài khoảng 5 tiếng đồng hồ. "Phần bị đứt đã có dấu hiệu hồng hào trở lại. Tuy nhiên đoạn tay dập nát khá nhiều nên khả năng phục hồi chức năng phải chờ thêm thời gian", ông Nhân cho hay và thông tin thêm, các nạn nhân còn lại đã tỉnh táo, không có dấu hiệu tổn thương não.
Công an đã lấy lời khai từ các nạn nhân, nhân chứng và sẽ khám nghiệm hộp đen, kiểm tra hệ thống phanh để đối chứng với lời khai của tài xế trong ngày mai (9/1).
Năm 2005, hầm Hải Vân được đưa vào khai thác phục vụ việc lưu thông qua cung đường đèo vốn ám ảnh với cánh tài xế xe khách đường dài tuyến Bắc Nam; chỉ còn các xe chở chất dễ gây cháy nổ (gas, xăng, dầu) và động vật đi trên đèo.
Tuy nhiên những khúc cua mạo hiểm, cảnh sắc tuyệt đẹp giữa một bên là núi rừng, một bên là biển xanh đã tạo cảm hứng cho nhiều người muốn thưởng lãm Hải Vân quan bằng xe máy hoặc ôtô. Hệ thống phòng thủ trên đỉnh đèo (giáp ranh giữa Huế và Đà Nẵng) xây dựng năm 1826 mới đây được công nhận là di tích lịch sử quốc gia cũng là điểm đến thu hút khách tham quan.