Kinh doanh
Thứ sáu, 9/6/2023, 15:26 (GMT+7)

Sông Đà trơ đáy

Lòng sông Đà rộng 700 m, nhưng hiện dòng chảy thu hẹp chỉ còn khoảng 50 m khiến nước về hồ thủy điện thấp, ảnh hưởng đến phát điện.

Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) dài hơn 900 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.

Đoạn ở Việt Nam dài 527 km (có tài liệu ghi 543 km), điểm đầu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chảy qua Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và kết thúc tại ngã ba Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Trên sông Đà có hệ thống thủy điện bậc thang Sơn La công suất 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW, Hòa Bình 1.920 MW.

Khoảng một tháng nay, lưu lượng dòng chảy sông Đà xuống thấp, đoạn chảy qua thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, chỉ còn lại một mạch nước.

Bãi bồi lòng sông Đà trở thành nơi chăn trâu. Nước xuống dưới mực nước chết buộc nhà máy thủy điện Sơn La công suất lớn nhất cả nước phải dừng hoạt động.

Thường đưa đàn trâu ra bãi bồi sông Đà, ông Khoàng Văn Nguỵ, 72 tuổi, ở phường Na Lay, thị xã Mường Lay, cho biết năm nay nước thấp nên ông chỉ mất 3 km từ nhà đưa trâu đi ăn. Mọi năm ông phải đi vòng lên núi mất 5 km.

Móng trụ cầu Bản Xá ở phường Sông Đà, thị xã Mường Lay lộ ra, mặt nước cách mặt cầu hơn 30 m.

Người dân địa phương cho biết khoảng 3 tuần nay không có mưa. Vì thế đất bãi bồi nứt nẻ.

Nhiều lồng cá của người dân nằm trơ trọi giữa bãi bồi.

Sông Đà xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn chương, nổi tiếng là tập tùy bút Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác phẩm Người lái đò sông Đà trong tùy bút được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn.

Cánh đồng nằm ở bãi bồi thị xã Mường Lay đang vào vụ thu hoạch. Nếu như thời điểm này năm trước người dân phải thu hoạch khẩn trương để tránh mùa nước lên thì năm nay có thể chậm hơn.

Các hồ thủy điện dọc sông Đà đang ở mực nước chết. Đồ họa: Đỗ Nam

Sông Đà
 
 

Sông Đà mực nước xuống thấp. Video: Gia Chính - Ngọc Thành

Ngọc Thành - Gia Chính