Ngày 27/5, trong buổi lễ ra mắt Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam, hai sĩ quan đầu tiên được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ví như đại diện truyền đi thông điệp khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Hơn 10 năm công tác ở Cục đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Trung tá Trần Nam Ngạn (42 tuổi) đã quen với công việc đàm phán song phương, đa phương. Hàng chục lần tháp tùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng đi công tác nước ngoài với vai trò phiên dịch, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều người ở những cương vị khác nhau. Hàng năm, anh tham gia đón đoàn quân đội các nước sang thăm Việt Nam.
"Là một trong hai người được lựa chọn đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới, tôi vừa tự hào, vừa cảm nhận được trọng trách nặng nề. Bởi chúng tôi không chỉ phải hoàn thành nhiệm vụ với Liên Hợp Quốc, mà còn phải làm tốt nhiệm vụ đối với quân đội, với đất nước", trung tá Ngạn nói.
Tốt nghiệp Học viện Khoa học quân sự và công tác ở Viện Quan hệ Quốc tế về quốc phòng, Trung tá Mạc Đức Trọng (43 tuổi) cũng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình lần này. Từng được chọn đi học Trường Lục quân ở Ấn Độ, trung tá Trọng về nước, tham gia tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại của Bộ Quốc phòng.
Năm 2005, anh tham gia khóa đào tạo quan sát viên quân sự Liên Hợp Quốc tại Australia. Ở đó, anh được huấn luyện kỹ năng đàm phán, kỹ năng sinh tồn... Sau khóa học, anh lại được tham gia khóa hỗ trợ về gìn giữ hòa bình của Anh, rồi khóa đào tạo giảng viên gìn giữ hòa bình ở Mông Cổ.
Là hai sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế, cả Trung tá Ngạn và Trọng đều đã được chuẩn bị chu đáo. Theo Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Văn Tuấn, hai sĩ quan được tham gia nhiều khóa học trực tiếp và online về gìn giữ hòa bình do chuyên gia của Liên Hợp Quốc đứng lớp. Ngoài ra, các anh còn được trang bị tiếng Anh để đảm bảo yêu cầu công việc.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là đi làm sĩ quan liên lạc, tức là giúp cho phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, liên hệ công tác với các cơ quan cũng như các tổ chức quốc tế tại đây. Với kinh nghiệm công tác nhiều năm, chúng tôi tự tin mình sẽ làm tốt", hai vị trung tá chia sẻ.
Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam là thành viên tin cậy tích cực của cộng đồng quốc tế, là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thể hiện được Việt Nam nói đi đôi với làm, dù đất nước còn nghèo, còn nhiều việc phải lo.
Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ phát triển đảm bảo đủ năng lực để tổ chức huấn luyện, điều khiển, chỉ huy, cũng như hiệp đồng tất cả các hoạt động liên quan đến gìn giữ hòa bình. Bên cạnh hoạt động thực tế, hoạt động về huấn luyện đào tạo con người cũng sẽ được chuẩn bị lâu dài.
"Việc chuẩn bị các sỹ quan đủ trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, công binh, quân y trình độ kiến thức quân sự, đặc biệt là các kiến thức về hoạt động gìn giữ hòa bình là rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ chính của trung tâm gìn giữ hòa bình trong thời gian tới", Tướng Vịnh nói.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc cử người đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế sẽ tạo điều kiện để sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị cho các bước đi sau - khi Việt Nam gửi đi số quân đông hơn, đội hình lớn hơn.
Lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ chỉ đặt dưới sự điều hành của Liên Hợp Quốc, tuân thủ luật pháp trong nước, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, được triển khai theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an trên cơ sở thỏa thuận hòa bình và nhất trí của các bên liên quan, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
"Chúng ta hội nhập một cách đầy đủ, thực sự không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động thiết thực", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay.
Hoàng Thùy