"Đây là nỗ lực đầy tham vọng của chúng ta, khối lượng công việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa ước tính gấp 4 lần sân bay Đà Nẵng vừa hoàn thành năm ngoái.", bà Bonnie Glick, Phó Giám đốc toàn cầu Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ nói trong buổi lễ bàn giao bàn giao 37 ha của sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) sáng 1/11. Công việc xử lý ô nhiễm dioxin tại đây sẽ bắt đầu từ tháng 12 và mất khoảng 10 năm để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho Việt Nam.
Ngoài ra, trong 5 năm tới Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng triển khai công tác hỗ trợ người khuyết tật tại những tỉnh bị nhiễm độc dioxin nặng nhất như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với kinh phí 65 triệu USD.
Phát biểu tại lễ bàn giao, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, đây là sự kiện đánh dấu việc Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận những gì đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam và có những cam kết khắc phục.
"Thời điểm xử lý ở Đà Nẵng cũng chỉ là bước mở đầu nhưng ở Biên Hòa thể hiện rất rõ khi Chính phủ Mỹ mà đại diện là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ký với Chính phủ Việt Nam về việc khắc phục hậu quả dioxin", thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói và nhấn mạnh trước đây viện trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh chủ yếu là của cá nhân và các tổ chức phi chính phủ.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong thời gian tới song song với việc xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiến hành vận động để phía Mỹ xử lý thêm ô nhiễm tại những nơi bị phun rải trong chiến tranh.
Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa do Việt Nam cùng Hoa Kỳ cùng thực hiện được khởi động từ tháng 4 vừa qua, với kinh phí khoảng 390 triệu USD bằng nguồn vốn từ hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Giai đoạn một dự kiến sẽ xử lý 150.000 m3 đất từ nay đến năm 2025, với khoản hỗ trợ 183 triệu USD từ chính phủ Mỹ và 110 tỷ đồng của Việt Nam.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền nam Việt Nam.
Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài.
Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. Ước tính hơn 52 hecta diện tích với khối lượng 515.000 m3 đất bị ô nhiễm và quá trình xử lý sẽ mất ít nhất 10 năm.