Video tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Sa Pa.
Từ đầu tháng 4, hàng nghìn hộ dân, cơ sở lưu trú ở thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai) thiếu nước sạch sinh hoạt. "Chúng tôi phải tận dụng xô chậu, can, bạt nhựa để tích trữ nước. Các ôtô chở thùng, téc nước đi khắp ngõ ngách rao bán với giá 300.000-500.000 mỗi m3", một người dân cho hay.
Anh Phạm Quốc Tuấn, chủ khách sạn trên đường Đồng Lợi nói, mỗi ngày cơ sở chi khoảng 1,5 triệu đồng mua nước sinh hoạt. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, khách sạn của anh phải từ chối nhiều khách vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
"Giá nước chở từ nơi khác về ngày càng tăng và chúng tôi phải mua phục vụ khách để giữ uy tín. Nếu thiếu nước kéo dài đến dịp nghỉ lễ, khách sạn chưa biết phải xoay xở ra sao", anh Tuấn lo lắng nói.

Người dân Sa Pa mang can nhựa đi lấy nước về tích trữ. Ảnh: Phan Anh
Ông Phạm Hồng Quảng, Tổng giám đốc Công ty cấp nước Lào Cai cho hay, nhà máy xử lý nước Sa Pa công suất 6.000 m3 mỗi ngày đêm, lấy nước thô từ 5 nguồn là Thác Bạc, Cầu Pha, Cửa Rừng, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2. Hiện 4 trong 5 nguồn nước thô đã cạn kiệt, nguồn Suối Hồ 2 có trữ lượng 4.000 m3. Tuy nhiên, nhà máy chỉ được sử dụng 2.000 m3, lượng nước còn lại lâu nay thuộc về 25 hộ dân đang canh tác 30 hecta lúa.
"Tình trạng khan hiếm nước vẫn xảy ra vào dịp này hàng năm. Nhưng năm nay gay gắt nhất và dự báo kéo dài trong thời gian tới. Lượng nước hiện chỉ đủ cung cấp cho 1/3 nhu cầu của người dân Sa Pa. Chúng tôi phải cấp nước luân phiên các khu vực, ưu tiên bệnh viện, trường học", ông Quảng thông tin.
Tranh cãi nguyên nhân mất nước: do du lịch hay thủy điện?
Về nguyên nhân khiến nguồn nước thô cạn kiệt, ông Quảng nói do từ đầu năm đến nay, Sa Pa chưa có mưa lớn và quá trình đô thị hóa của huyện khiến lượng khách du lịch tăng nhanh chóng. "Dịp cuối tuần, nghỉ lễ, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng tới 1,5 lần so với ngày thường", ông Quảng nói.
Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa nói, ngày 23/4, chính quyền đã đàm phán với 25 hộ dân để nhà máy nước sử dụng toàn bộ 4.000 m3 mỗi ngày đêm từ Suối Hồ 2. "Các hộ dân sẽ dừng trồng lúa và được đền bù thiệt hại. Về kinh phí đền bù thì chúng tôi chưa có chính xác vì cần thời gian để kiểm đếm chi tiết", ông Phong cho hay.
Theo ông, lượng nước được 25 hộ dân nhường lại giúp đáp ứng 70% công suất nhà máy, cộng với nước dự trữ sẽ "cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân, các cơ sở kinh doanh trong dịp nghỉ lễ sắp tới".

Huyện Sa Pa huy động 4 xe téc chở nước miễn phí cho các hộ dân khu vực cuối nguồn. Ảnh: Diệu Bình
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng việc chính quyền đàm phán với người dân như trên chỉ là biện pháp trước mắt, vì nguyên nhân khiến Sa Pa thiếu nước trầm trọng chủ yếu là quy hoạch phát triển du lịch.
"Ở Sa Pa lâu nay hàng loạt công trình khách sạn, nhà cao tầng mọc lên rất lộn xộn. Một nhà máy nước công suất 6.000 m3 quá nhỏ so với số lượng hàng triệu du khách mỗi năm", ông Tứ nói.
Chuyên gia này cho hay đang nghiên cứu đánh giá tác động của hồ đập thủy điện đến nguồn nước ở Sa Pa. "Chúng tôi chưa kết luận, song hồ chứa thủy điện, chất lượng rừng đầu nguồn cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt nước", ông nói.
Trước ý kiến chuyên gia, ông Lê Tân Phong thông tin thêm, từ năm 2012 khi quy hoạch mở rộng đô thị Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã có chủ trương đầu tư nhà máy nước sạch công suất 15.000 m3 ngày đêm. Dự án đang chờ lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến khởi công vào cuối năm 2019, hoàn thành trong 2020.
Không đồng tình với nghi vấn thiếu nước do ảnh hưởng của thủy điện, ông Phong giải thích, lưu vực của 5 nguồn nước thô trên địa bàn đều không có công trình thủy điện nào. "Thủy điện là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế của huyện, nhưng không phải ưu tiên. Nếu công trình nào ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân thì chúng tôi không đồng thuận" ông Phong nói.
Sa Pa (Lào Cai) là một trong những trung tâm du lịch, điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Sa Pa có gần 700 cơ sở lưu trú với tổng số gần 7.000 phòng; trong đó riêng thị trấn có 360 cơ sở lưu trú du lịch, còn lại là homestay ở các xã.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, khu du lịch quốc gia Sa Pa đón gần 700.000 lượt khách. Năm 2018, Sa Pa đón hơn 2,5 triệu lượt khách.