Sáng 23/3, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chuyển giao robot "BK-AntiCovid" do nhóm giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo cho bên đặt hàng là Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sử dụng trong khu vực cách ly người nghi nhiễm nCoV.
Robot có khả năng di chuyển trong phòng, hành lang, qua các cánh cửa hẹp bệnh viện để vận chuyển thức ăn, đồ dùng, thuốc men vào khu vực cách ly, với tải trọng 100 kg.
Được làm bằng inox 3 ly, robot nhìn giống như xe đẩy ở bệnh viện. Phần khung được đúc liền để đảm bảo không thấm nước, dễ dàng trong xử lý khử trùng y tế và không ảnh hưởng đến các mạch, linh kiện bên trong.
Robot được lắp một camera, có khả năng kết nối với 10 máy điện thoại để theo dõi toàn bộ quá trình vận hành cũng như trao đổi trực tiếp giữa bác sĩ và người trong khu cách ly.
Thiết bị có tốc độ di chuyển chậm, điều khiển bằng chế độ cầm tay kết nối với màn hình smartphone. Với một nút điều khiển đa hướng, người sử dụng xoay hướng nào thì robot sẽ đi theo hướng đó.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các tính năng cho robot, trong đó có việc lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt từ xa", PGS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nói.
Nhóm nghiên cứu mất khoảng 10 ngày hoàn thành robot, trong đó 5 ngày nghiên cứu, 5 ngày thiết kế, chế tạo, lập trình, gia công linh kiện, tạo mạch đấu nối dây.
Tiến sĩ Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, cho biết linh kiện phải nhập khẩu và gửi hỏa tốc về, phần gia công cơ khí được làm gấp rút nên giá thành robot khoảng 50 triệu đồng, nếu làm 10 con thì chi phí sẽ giảm.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết rất cần robot này để giảm số bác sĩ, nhân viên vào khu vực cách ly, nhằm giảm thiểu tiếp xúc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Việc đưa robot vào khu vực cách ly không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Bình thường mỗi nhân viên y tế ra vào phải thay đồ bảo hộ một lần", bác sĩ Vinh nói.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang giám sát 20 người nghi nhiễm Covid-19, do tiếp xúc với người tiếp xúc gần, hoặc đi từ vùng dịch về. Trong đó có 16 phụ nữ mang thai và 4 trẻ em.
Do quá trình chạy thử robot còn ngắn, nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Đà Nẵng cam kết sẽ bảo hành thiết bị trong một năm, bao gồm việc chỉnh sửa, thay thế linh kiện.
Ngoài robot, Đà Nẵng có nhiều sáng kiến đảm bảo đời sống tinh thần cho người dân ở khu cách ly. Ngày 23/3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu làm "tủ sách di động mini" để đưa đến những khu vực này.
Theo ông Thơ, ngoài việc bảo đảm các biện pháp an toàn về y tế, cung cấp bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm thì việc chăm sóc, hỗ trợ đời sống tinh thần cho người đang thực hiện cách ly là rất quan trọng. "Tại các địa điểm tập trung của người Việt còn có không gian sân vườn thoáng mát, có thể dạo bộ, còn đối với người nước ngoài đang cách ly trong khách sạn, không gian bó hẹp trong căn phòng nên có phần bức bối, nhàm chán", ông Thơ nói.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu, khi làm tủ sách phải bảo đảm yêu cầu về y tế như lập đề mục đầu sách đưa cho khách lựa chọn; sách phải bỏ vào các túi zip và sau khi sử dụng sẽ khử trùng... "Tôi mong các nhà sách tặng sách tiếng Việt và sách ngoại văn đến các địa điểm cách ly tập trung", ông Thơ kêu gọi.
Đà Nẵng đã ghi nhận 4 ca dương tính với nCoV, trong đó có 2 du khách Anh lây nhiễm cho một nữ nhân viên điện máy; một người Mỹ về thăm vợ con. 134 trường hợp nghi nhiễm đang phải theo dõi tại các khu cách ly của bệnh viện.