-
11h30
Phiên thảo luận sáng của Quốc hội kết thúc với 27 đại biểu đã đăng đàn.
-
Có hay không khuất tất trong xử lý các vụ sai phạm tại Đà Nẵng?
Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó đoàn đại biểu TP Đà Nẵng nói, trên địa bàn đang vướng mắc hàng loạt dự án sai phạm liên quan tới "đất vàng", xử lý kéo dài chưa biết tới bao giờ kết thúc, như các vụ liên quan đến khu đô thị Đa Phước, bán đảo Sơn Trà...
Ở khu vực trung tâm Đà Nẵng cũng có hơn 30 dự án được xác định mắc sai phạm, có những dự án bị bỏ hoang hơn 10 năm qua... Thực tế này khiến dư luận bất bình, cán bộ công chức lo lắng.
"Cử tri đặt câu hỏi với đoàn đại biểu Đà Nẵng, việc kéo dài thời gian các vụ trên có khuất tất gì trong xử lý hay không", ông Sơn nói và chuyển câu hỏi tới Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
-
Đề nghị Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tội phạm ma tuý
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói, cử tri cảm thấy lo lắng, bất an khi chỉ trong ít tháng đầu năm đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan ma tuý, ngáo đá như: Cô gái giao gà bị sát hại chiều 30 Tết ở Điện Biên; phó phòng Ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An; vụ sát hại bà ngoại, bạn gái, bà nội, bố đẻ ở Long An; gần đây do cãi nhau với mẹ mà con trai ra tay sát hại mẹ, dì, bà ngoại ở TP HCM...
Trong khi đó, tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp, nhiều vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý số lượng lớn xuyên quốc gia với thủ đoạn, hoạt động tinh vi. Chỉ trong quý I/2019, cơ quan chức năng đã phá được hơn 6.500 vụ (hơn cả năm 2018), trong đó có vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma tuý 1,1 tấn ở TP HCM.
Đáng lo ngại là Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã phát hiện nhiều chất ma tuý cực mạnh mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa có trong danh mục ở nghị định 73, gây ảo giác cực mạnh.
"Người dân đánh giá cao công an, cơ quan chức năng đã nỗ lực, kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma tuý, pháp luật cũng quy định khung hình phạt cao nhất với tội phạm này, có vụ số án tử hình lên tới cả chục người, nhưng tại sao tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, người nghiện vẫn gia tăng?", ông Hạ nói và đề nghị Chính phủ cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ đẩy lùi tình trạng nêu trên.
Theo ông, trước thực trạng nhức nhối đó, nhiều cử tri đề nghị Quốc hội giám sát công tác phòng, chống ma tuý trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa - Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng tội phạm ma tuý thời gian qua diễn biến phức tạp, gây bất an. Số lượng buôn bán ma tuý không còn theo gam mà tính bằng tấn. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ dường như chưa đánh giá kỹ và sâu đối với vấn nạn này khi chỉ có vài dòng khái quát chung.
"Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thực trạng tội phạm ma tuý hiện nay và đưa giải pháp xử lý", bà Hoa nói.
-
Giá điện luôn theo quy luật 'tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi'
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại dành phần lớn thời lượng phát biểu của mình để đề cập đến giá điện.
Theo ông, từ thủa khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi".
Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên kỳ tăng giá điện vừa qua rất mập mờ, cần làm sáng tỏ; có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như doanh nghiệp công bố.
Ông Cương cho hay, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, một người dân nêu vấn đề đáng suy nghĩ là, "cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp, tối thiểu 100 – 150 kw/h, chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo, khó khăn".
"Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, không phải tiết kiệm bằng mọi giá. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, vì cứ tăng xong đổ cho thời tiết là hợp lý nhất đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói.
Ngoài ra, EVN cho rằng giá điện của Việt Nam thấp so với các nước nhưng đó là so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào; doanh nghiệp độc quyền như EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ, "có giống nhau đâu mà so sánh và chưa kể đến thu nhập đầu người của Việt Nam thấp". Trong khi đó, ở một nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn "thì sao chẳng thấy ai so sánh".
"Cứ ra rả rằng tăng giá điện thì các bên đều được lơi nhưng thực tế thì người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy", ông Cương nói và nêu vấn đề, lần nào tăng giá điện cũng nói là để có nguồn kinh phí tái đầu tư ngành điện, nhưng một doanh nghiệp độc quyền luôn thua lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không?.
Vị đại biểu nói thêm, "lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có thực hiện được hay không? Tôi nghe một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và thất thoát do chậm tiến độ là tất yếu".
Ông Nguyễn Sỹ Cương đề nghị công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện để cho thấy bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN.
-
Ngăn chặn lợi ích nhóm trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước
Dẫn các báo cáo về cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, ông Nguyễn Trường Giang – Thường trực Uỷ ban Pháp luật đánh giá, số lượng doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá "chậm dần đều" qua các năm. Ví dụ, 64 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong năm 2018 thì chỉ có 12 doanh nghiệp hoàn thành (đạt 17%), 35 đơn vị chuyển sang năm 2019, 12 doanh nghiệp chuyển sang 2020 và 6 đơn vị không rõ thời gian hoàn thành.
Bên cạnh đó, ông Giang nhận xét, kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm. "Còn lợi ích nhóm trong cổ phần hoá, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời", ông nhấn mạnh và dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ công bố.
Ở trường hợp này, ông Giang cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn. Theo kết luận thanh tra, quá trình chuyển nhượng vốn Bộ đã ban hành 2 văn bản trái quy định, bán vốn hơn 75% cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành. Thanh tra Chính phủ sau đó đã yêu cầu thu hồi 2 văn bản trái luật này và yêu cầu Vinalines phải thanh toán các khoản tiền cho cổ đông để thu hồi lại tỷ lệ hơn 75% vốn đã bán. "Đây là sự vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước", ông Giang nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề cập đến việc "cần thiết thu hồi triệt để tài sản công trong các vụ án kinh tế, tham nhũng".
Theo ông, trong điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, nhiều công trình ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của người dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui lại cho thấy thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Ông nhấn mạnh, chế tài nặng, thu hồi tài sản tham nhũng sẽ có tính răn đe lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, chống tư tưởng "hi sinh đời bố đi tù vài chục năm để gia đình, vợ con sống an nhàn, sung túc cả đời".
-
Đề xuất kiểm toán hoạt động kinh doanh điện
Ông Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau quan tâm tới việc tăng giá điện bán lẻ bình quân 8,36% từ ngày 20/3 và Chính phủ đã có báo cáo giải trình, khẳng định việc tăng giá này đúng quy trình.
Theo ông Hận, điều đại biểu và cử tri quan tâm không phải việc tăng giá này đúng quy trình, quy định hay không vì "Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định".
Thế nhưng, việc tăng giá mặt hàng này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, tiền lương của cán bộ công chức viên chức không tăng. "Việc tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ", ông nói và đề nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện.
Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận thì cho rằng việc tăng giá điện thời điểm này không phù hợp. "Tôi đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện; có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào", bà Phúc nói.
Theo nữ đại biểu, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng "té nước theo mưa để tăng giá các mặt hàng khác"; đẩy mạnh theo dõi thị trường, kiểm tra việc kê khai giá của các doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp nếu có biến động.
Từ ngày 20/3 giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Việc tăng giá này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, nhiều phản ánh việc hoá đơn điện tăng đột biến sau tăng giá.
Báo cáo gửi Quốc hội giải trình về điều hành giá điện, Chính phủ khẳng định quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng. Việc tăng giá mặt hàng này được Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo đúng quy định của Luật Điện lực, Quyết định 24 của Thủ tướng, một số Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thời điểm tăng giá điện, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.
Ngày 24/5, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Dự kiến trong 35 ngày, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện...
-
Cần bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, việc xây dựng một số dự luật, các văn bản hướng dẫn dưới luật còn có những bất cập, "tuổi thọ" của luật không dài, phải điều chỉnh, bổ sung. Ông dẫn chứng, dự thảo quy chuẩn nước mắm; danh mục thức ăn chăn nuôi... vừa qua gây nhiều ý kiến trái chiều và các đơn vị xây dựng dự thảo, quy định đã phải tạm dừng để tiếp thu, điều chỉnh.
Theo ông Nhường, có tình trạng trên do năng lực xây dựng luật của một số bộ, ngành còn yếu, còn có tư duy không quản được thì cấm, chưa kể có thể còn cài cắm lợi ích của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp.
Để khắc phục, đại biểu kiến nghị giao việc xây dựng luật cho Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành liên quan chỉ cử người tham gia. Bên cạnh đó, khi xây dựng dự luật nên mời các luật sư, người dân bị tác động trực tiếp tham gia ý kiến.
-
Giá điện, xăng dầu có thể đẩy lạm phát tăng cao
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng cũng tăng từ đầu năm, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường.
Cùng với đó là ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giảm số đàn 5-6% đã ảnh hưởng lớn tới cung cầu giá thực phẩm. Nếu cung giảm, cầu tăng sẽ đẩy giá tăng cao hơn.
Nữ đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý giá các mặt hàng phải tiến dần tới thị trường, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành. Song, bà lưu ý, thời điểm nào cho tăng giá là rất quan trọng, bởi ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. "Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát", bà Yến nêu.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay Bộ Công Thương có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số lập luận để khẳng định Bộ làm đúng.
Tuy nhiên, từ góc độ một bác sĩ, ông Hiếu nói "dù phác đồ đúng mà bệnh nhân của mình không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét, nhiều khi trên lý thuyết là đúng những triển khai sai ở mắt xích nào đấy; lúc này phải dừng lại suy xét không bảo thủ duy ý chí, che đậy sai lầm". Do vậy, ông Hiếu cho rằng khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu.
"Phải chăng nguồn gốc sâu xa do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong truyền tải, mua bán điện", ông Hiếu nêu câu hỏi.
-
Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ bất cập trạm BOT T2
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề cập đến bức xúc của cử tri An Giang (nơi ông ứng cử) liên quan đến trạm BOT gần cầu Vàm Cống.
"Chúng ta có thể triển khai những chính sách vĩ mô tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song những búc xúc hàng ngày của ngươig dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. Chính vì vậy những cố gắng của cả hệ thống bị một vài bức xúc nhỏ làm vấy bẩn bức tranh toàn cảnh", ông Hiếu nói.
Với tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, ông Hiếu nói kỳ họp trước "tôi rất mừng khi một lãnh đạo Chính phủ đến tìm hiểu về việc triển khai xây dựng đường tránh thành phố Long Xuyên; tưởng như mọi việc đã vào guồng nhưng 6 tháng vừa qua tiến triển rất chậm".
Theo ông, nếu dự án đường tránh thành phố Long Xuyên được triển khai thì sẽ không có việc cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội. "Hậu quả là cầu Vàm Cống - một công trình quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long vừa khánh thành đã bị mất đi ý nghĩa nhân văn", ông Hiếu nói và nhấn mạnh việc lhởi công đường tránh TP Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang lúc này.
Là một trong hai trạm thu phí thuộc Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 và 91B, trạm BOT T2 từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, 35.000 - 200.000 đồng. Sự bất cập này lại nóng lên khi cầu Vàm Cống khánh thành mới đây, khi các xe qua cầu đã "đụng" trạm thu phí.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải An Giang, Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ như: Di dời trạm thu phí về vị trí khác; phát thẻ thu phí với mức phí khoảng 2.000 đồng mỗi lượt cho những xe chỉ đi từ 300 m trên quốc lộ 91...
-
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết vào đầu phiên làm việc đã có 91 đại biểu đăng ký thảo luận.