Chiều 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trước Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện hành, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ đến 50 tuổi nên sẽ không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu 75%, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống và chất lượng xây dựng quân đội.
Vì vậy, dự án Luật quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm. Theo đó, cấp uý quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ đến năm 52 tuổi; 54 tuổi với thiếu tá, trung tá và 56 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ thượng tá.
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm các chức danh: chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao là 35 tuổi; phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa là 40 tuổi. Khi hết hạn tuổi phục vụ được đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội.
Khi quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bậc cao hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận đạt danh hiệu giỏi; đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết uỷ ban cơ bản tán thành với quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp như dự thảo Luật. Quy định như trên sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao và phù hợp với tính chất công việc.
Theo dự thảo luật, tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được xác định theo chức danh, trình độ đào tạo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; được hưởng các loại phụ cấp và các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được thuê nhà ở công vụ.
Đồng tình với quy định trên, Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị đánh giá chính sách tiền lương hiện hành để xác định chế độ tiền lương phù hợp với tình hình mới. Cụ thể là xác định rõ nguyên tắc xếp lương, trả lương cho các đối tượng, như xếp lương theo trình độ đào tạo (đại học, trung cấp, sơ cấp), làm công việc thuộc nhóm nào thì xếp lương theo trình độ đó, xếp theo vị trí công việc...
Uỷ ban cũng góp ý nguyên tắc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật).
"Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp quân đội hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, ngoài tiền lương theo kết quả sản xuất kinh doanh cần xác định rõ các khoản được ngân sách nhà nước bảo đảm như quân trang, chữa bệnh, chính sách nghỉ chờ hưu...", ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.
Theo Dự thảo luât, đối tượng tuyển chọn, tuyển dụng làm quân nhân chuyên nghiệp bao gồm: Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam khi chức vụ đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện thì được xét chuyển; Hạ sĩ quan, binh sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ; Công nhân, viên chức quốc phòng khi đảm nhiệm chức danh có diện bố trí là quân nhân chuyên nghiệp.
Khi quân đội có nhu cầu, công dân Việt Nam có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ; có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp; được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự đều có thể được tuyển dụng.
"Công dân tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đào tạo được tuyển dụng thông qua xét tuyển", Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay.
Hoàng Thuỳ