Sáng 2/7, ông Nguyễn Bá Thanh, đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng). Người dân đặt nhiều câu hỏi với Trưởng ban Nội chính Trung ương về những vụ án tham nhũng lớn xử lý còn dây dưa; vì sao Việt Nam không có phản ứng mạnh mẽ trước khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981; hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc; trách nhiệm của chính quyền khi để xảy ra đập phá nhà máy ở Bình Dương và Hà Tĩnh.
Trả lời thắc mắc của cử tri về hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết, hiện có 7 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký kinh doanh, sản xuất theo đúng pháp luật Việt Nam. "Dư luận phản ánh thông tin một số người Trung Quốc, hoặc "đội lốt" Trung Quốc để mua đất ở Đà Nẵng, chúng tôi đã kiểm tra, đặc biệt là khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào. Luật pháp Việt Nam cũng chưa bán đất cho người nước ngoài", ông Viết nói.
Cũng theo phó chủ tịch Đà Nẵng, thành phố đã giao Sở Ngoại vụ theo dõi tình hình Biển Đông và có báo cáo hàng tuần để lấy thông tin truyền đạt đến người dân từng tổ dân phố. Trước đây, mỗi tháng Đà Nẵng họp tổ dân phố một lần, nhưng bây giờ 3 tháng mới tổ chức họp nên tổ dân phố chưa triển khai kịp.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cho rằng vấn đề Biển Đông đã được các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều và cụ thể. Câu chuyện Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, hợp thức hóa đường lưỡi bò hầu hết ai cũng thuộc lòng. "Còn việc họ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam thì chúng ta phải đấu tranh bằng biện pháp hòa bình", ông Thanh nói với hàng trăm cử tri.
Theo ông Thanh, câu hỏi của cử tri rằng "cứ đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thì bao giờ Trung Quốc trả Hoàng Sa lại cho Việt Nam" không ai trả lời được. Việc chúng ta có thể làm và cần thiết duy trì là phải đấu tranh, không thể không đấu tranh khi Trung Quốc vi phạm chủ quyền. "Tức lên đánh nhau thì bên nào cũng thương vong hết, các nước trải qua chiến tranh đã thấm thía lắm rồi. Phải nhất quán với nhau là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình chứ không phải bằng súng đạn, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế", nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Hà Tĩnh, Bình Dương xảy ra việc nhiều người đập phá, cướp tài sản tại các nhà máy, xí nghiệp của người Trung Quốc, ông Thanh cho biết do thời gian xảy ra ngắn, số lượng công nhân đông nên khó kiểm soát, việc cần làm bây giờ là khôi phục sản xuất. Cũng theo ông, việc hỗ trợ doanh nghiệp ở hai địa phương này thực chất là đền bù theo quy định chung của quốc tế. Không ai khuyến khích việc đi đập phá, đốt nhà máy vì khi phải bồi thường sẽ tiêu tốn ngân sách Nhà nước - tiền của nhân dân.
Giải đáp thắc mắc việc nhiều vụ án tham nhũng chưa được giải quyết dứt điểm, Trưởng Ban Nội chính nói ai cũng muốn xử lý rốt ráo nhưng làm một lúc không xuể mà phải đưa ra xét xử từng vụ một. "Ngay cả vụ Dương Chí Dũng bước đầu xử lý tới đó nhưng còn một số vấn đề phải điều tra làm rõ để xét xử tiếp", ông Bá Thanh thông tin.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng lưu ý lãnh đạo Đà Nẵng cấp nhà chung cư của thành phố cho đúng đối tượng, tránh xảy ra tiêu cực khi nhiều công chức "lăng xăng", "tranh thủ" lấy cho thuê lại kiếm lời mỗi tháng hàng triệu đồng. "Cách làm thì mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng quan trọng là đạt hiệu quả. Hơn 100 trường hợp phải thu lại chung cư để cho những người xứng đáng hơn được thuê. Chủ trương "3 có" của Đà Nẵng cần giải quyết trong thời gian dài", ông Thanh nói.
Nguyễn Đông