Những núi cát di động này chỉ là một trong số hàng loạt hoạt động xây dựng có thể gây ô nhiễm không khí Hà Nội. Từ khâu đào lấp, đập phá, vận chuyển vật liệu đến thi công đều có thể trở thành nguồn bụi cho nội thành.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có con số cụ thể tác động của xây dựng đến ô nhiễm không khí, nhưng nhận định: "Trong những năm gần đây, hoạt động xây dựng các khu chung cư, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng..., diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn. Các hoạt động như đào lấp đất, đập phá công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển thường gây ô nhiễm bụi đối với môi trường xung quanh".
Trong góc căn nhà ở phố Định Công (Hoàng Mai), cách mặt đường tới 7 mét, bà Trần Thị Liên (46 tuổi) cẩn thận lấy khăn ướt lau sạch bụi bám ở ngoài gói bánh để mời khách: "Bánh mới để đó lúc sáng, bây giờ đã bám đầy bụi rồi".
Gia đình bà Liên bán hàng ăn ở phố Định Công gần chục năm. Trước kia, với lợi thế nhà mặt đường, bà tận dụng khoảng hiên rộng 8 mét vuông trước cửa, giáp với đường đi để kê thêm bàn ghế. Tuy nhiên, từ hai năm trước khi chính quyền tổ chức lắp đường ống nước, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng để làm đường vành đai 2,5, bà Liên phải chuyển hẳn vào bán trong nhà vì "bụi quá khách không ăn nổi".
Công trường làm đường vành đai 2,5 ngổn ngang với những ngôi nhà phá dỡ dở dang, vật liệu chất đống nằm cách quán bà Liên chỉ hơn chục mét. Phía ngoài công trường, cát và rác nằm lẫn, chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là bay mịt mù.
Phần lớn diện tích của căn nhà 15 m2 dùng để bán hàng, bà Liên và chồng ở căn gác nhỏ phía trên. "Gác xép chỉ có một lối lên, lại không có cửa sổ mà lúc nào cũng thấy bụi, quần áo phơi trên đó một chốc là khô", bà vừa nói, vừa phủi bụi bám trên bộ quần áo màu đen của mình.
Ngoài làm thịt gà, nấu nước dùng, hàng ngày bà đều đặn quét hiên và phần đường xung quanh nhà cho bớt bụi. Gần đây có xe của thành phố đi hút bụi khoảng nửa đêm hoặc 4h sáng, tuy nhiên "hôm có hôm không và cũng chẳng ăn thua".
Ông Trần Hoàng Kim, cán bộ phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai thừa nhận, trong số 29 dự án đang được xây dựng trên địa bàn quận, nhiều dự án chậm tiến độ khiến vật liệu ngổn ngang gây mất mỹ quan cũng như ô nhiễm môi trường. "Đơn cử như tuyến vành đai 2,5 xây dựng 17 năm nay nhưng chưa thể hoàn thành vì quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà phá dang dở, vật liệu chất đống gây bụi bặm", ông Kim nói và khẳng định quận Hoàng Mai mỗi tuần đều họp bàn cách đẩy nhanh tiến độ nhưng chưa đạt hiệu quả.
Trong năm 2019, Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai đã xử phạt 4 dự án và 3 công trình nhà dân với tổng số tiền hơn 13 triệu đồng. "Thực tế, quy định xử lý vi phạm về môi trường hiện nay chưa đủ tính răn đe khiến nhiều chủ đầu tư có thái độ chống đối".
Cách tuyến đường 2,5 hơn một km là tuyến đường vành đai 3, mỗi đêm hàng trăm chuyến xe tải chở vật liệu xây dựng vương vãi khiến tuyến đường rộng hơn 4 làn này chìm trong khói bụi.
Mỗi ngày anh Trần Văn Long - người bán hàng trên đường Nguyễn Xiển - đều dùng vòi nước phun ra vỉa hè và lòng đường ít nhất ba lần để giảm bụi. Hơn hai năm kinh doanh tại tuyến đường, cũng là thời điểm Hà Nội dừng việc rửa đường hàng ngày anh "chưa bao giờ nhìn thấy đường sạch".
Từ năm 2016, chính phủ đã có nghị định xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng với các xe chở vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà "không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi". Nhưng, không có quy chuẩn cụ thể nào cho "mui, bạt che đậy". Chúng thường là các tấm bạt vuông căng trên thùng xe với rất nhiều khoảng hở. Bằng mắt thường, người dân tin rằng việc "rơi vãi" vẫn thường xuyên diễn ra với các xe tải này.
"Đường này nhiều công trình xây dựng hai bên, cũng là tuyến đường các xe tải lớn vận chuyển vật liệu xây dựng nên lúc nào cũng ồn ào, bụi mù", anh Long nói. Anh cho hay có những lần xe tải chở đất rơi ra cả đoạn đường dài đến sáng hôm sau công nhân môi trường lại phải tới dọn.
Thống kê chỉ trong vòng hơn hai tuần từ 28/11 đến 15/12, cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã xử phạt tới 141 trường hợp xe tải chở vật liệu vương vãi. Con số này gấp hơn 10 lần các vụ xử phạt vì chở quá tải (chỉ 12 vụ).
"Hầu hết lái xe vi phạm được chủ thuê nên khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra thì dùng mọi biện pháp chần chừ, gây vướng mắc. Lái xe thường xin cảnh sát tạo điều kiện để gọi cho chủ xe, sau đó lấy lý do không liên lạc được, không phải xe của mình nên không biết", Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Cán bộ đội Cảnh sát giao thông số 6 (Cầu Giấy) chia sẻ về tình trạng xe tải vi phạm luật giao thông.
"Việc mời họ xuống xe, giải thích và thương thuyết rất mất thời gian. Nhiều trường hợp chúng tôi phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế", thiếu tá Bình nói. Thậm chí nhiều lần, chính lực lượng cảnh sát tuần tra phải đóng vai nhân viên môi trường, trực tiếp dọn cát và vật liệu xây dựng đổ ra đường.
Tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội chiều 18/12 để tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, lãnh đạo nhiều quận đã đề nghị thành phố cho xe phun nước rửa đường tại những tuyến vành đai và trục hướng tâm có lưu lượng giao thông lớn. Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu rửa đường ngay trong tuần này.
Trong thập niên tới, chỉ riêng với cát sỏi xây dựng, nhu cầu theo dự báo của Hà Nội sẽ tăng khoảng 40%, từ 58 triệu lên 81 triệu mét khối mỗi năm. Tức là sẽ có thêm cả triệu lượt phương tiện chuyên chở vật liệu đi qua các con đường nội đô. Nhưng đến lúc này, giải pháp trước mắt của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đang dừng ở "cải tiến đầu phun nước các xe rửa đường đảm bảo khoa học, hiệu quả".
Gia Chính - Thanh Hằng