Thứ tư, 24/4/2024
Thứ ba, 21/5/2019, 00:54 (GMT+7)

Nông dân thay ong bướm thụ phấn cho hoa na

Để tăng tỷ lệ đậu quả, quả to đẹp, người trồng na ở Chi Lăng (Lạng Sơn) chủ động đi thụ phấn từng bông hoa.

Thụ phấn nhân tạo cho na Lạng Sơn
 
 

Quy trình thụ phấn hoa na.

Lạng Sơn có khoảng 2.800 hecta na, trồng trên sườn núi Cai Kinh, dọc theo quốc lộ 1 từ xã Cai Kinh (Hữu Lũng) đến xã Mai Sao (Chi Lăng).

Vào tháng 4-5 hàng năm, cây na ra hoa, mỗi hoa gồm ba cánh dài và dầy, màu xanh nhạt, hương thơm nhẹ. Nếu để thuận theo tự nhiên, chờ ong bướm tới thụ phấn, thì tỷ lệ na đậu quả không cao, quả cũng nhỏ. Từ nhiều năm nay, người trồng na ở Chi Lăng và Hữu Lũng đã nghĩ ra cách chủ động thụ phấn hoa.

Gia đình bà Hoa ở xã Mai Sao (Chi Lăng) có 400 cây na. Từ cuối tháng 4 đến nay, vợ chồng bà ngày nào cũng lên núi thụ phấn cho hoa na từ sáng đến chiều, dự định phải hết tháng 5 mới xong.

Đầu tiên, hai vợ chồng phải tỉa bớt hoa ở những nhánh nhỏ, mỗi nhánh chỉ để lại 1-2 hoa to.

Những bông hoa na được gom lại cẩn thận để không dập nát, nhụy còn tươi. 

Sau đó, nông dân dùng đoạn ống hút nhựa đường kính đúng bằng đài hoa na, một đầu gắn que tre, đầu còn lại tích nhụy hoa. Phần nhụy trong ống hút được chấm vào nhụy hoa trên cây. Các hoa đã thụ phấn sẽ được đánh dấu bằng một vết bấm nơi đầu cánh.

"Bông hoa được thụ phấn thì 90% là đậu quả, không phụ thuộc vào ong bướm", bà Hoa nói. Hai vợ chồng bà chăm chỉ làm với hy vọng đến tháng 8-9 sẽ cho thu hoạch những quả na to đẹp, bán được giá cao.

Na Lạng Sơn nổi tiếng quả to, cùi dầy, ít hạt và ngọt. Để phát triển và quảng bá loại quả đặc sản này, hàng năm tỉnh Lạng Sơn tổ chức "Ngày hội na".

Hoàng Huy