Bờ sông Đà ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), nơi tám học sinh chết đuối chiều 21/3 được nhiều người dân địa phương xem là "bãi tắm lý tưởng". Nơi đây có bãi bồi ven sông, bãi cát trải dài hai bên bờ cùng với dòng nước trong vắt. Chính quyền có biển cảnh báo nguy hiểm, song cứ chiều tối mùa nóng, người dân lại đổ xô ra sông tắm.
Sống ven sông Đà từ nhỏ, thường xuyên đánh cá trên sông, ông Nguyễn Ngọc Hiển (50 tuổi) nói khúc sông chảy qua TP Hòa Bình nhìn bề mặt bình yên, nhưng năm nào cũng có người chết đuối. Lòng sông chỗ tám học sinh phường Hữu Nghị gặp nạn rộng khoảng 200 m, sâu trung bình 3 m. Do khai thác cát nhiều năm trước nên dưới đáy sông có một lòng chảo rộng 2.000 m2, chỗ sâu nhất 10 m. Ở đó, nước xoáy liên tục tạo thành cột dựng đứng.
Sau tai nạn của nhóm học sinh, ông Hiển là một trong những người có mặt sớm nhất. Nhìn thấy vài người đứng trên bờ ôm nhau khóc, phán đoán các em nhỏ bị hút vào cột nước ở lòng chảo, ông lao xuống cứu. "Bơi ra được vài mét, tôi thấy nhiều thi thể nằm úp, cách nhau vài chục mét dưới đáy sông", người đàn ông từng cứu sống sáu người suýt chết đuối trên sông Đà, nhớ lại.
Hơi lặn đầu tiên chưa đầy một phút ở độ sâu 5 m, ông Hiển ngoi vội lên do áp lực mạnh gây khó chịu. Sau vài phút trấn tĩnh, ông lặn tiếp nhiều lần, vớt được ba thi thể đưa lên bờ. "Các cháu nhỏ nên khó thoát khỏi vòng xoáy tử thần đó. Kể cả người bơi giỏi, nếu không đủ tỉnh táo, khi rơi vào xòng xoáy cũng khó thoát", ông Hiển nói.
Nhận tin có người đuối nước ở phường Thịnh Lang, gần 60 người thuộc Đội cứu nạn Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Hòa Bình được huy động ra hiện trường. Từng tổ chức cứu nạn ở khúc sông này nhiều lần, trung tá Nguyễn Anh Tuấn phán đoán các em sẽ bị cuốn hết ở lòng chảo dưới đáy sông. Đúng như dự đoán, thi thể tám em được đưa lên bờ sau 30 phút.
"Khi lặn xuống nước, cảm giác rất khó chịu so với nhiều đoạn sông khác. Nước xoáy mạnh, sâu nên tổ cứu nạn phải chia thành nhiều tốp thay nhau lặn", ông Tuấn kể và cho hay mùa đông nước cạn sẽ nhìn rõ lòng chảo nên mọi người cảnh giác. Khi nước lên phải lặn 3 m mới có thể phát hiện. Đây là lý do nhiều người tắm sông chủ quan, không biết được mối nguy hiểm rình rập dưới đáy.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó chủ tịch UBND phường Thịnh Lang, chính quyền từng cắm nhiều biển cảnh báo cấm tắm tại khu vực các cháu gặp nạn. Tuy nhiên, một số biển bằng kim loại đã bị người dân nhổ đi, còn biển kiên cố mới bị nước lũ cuốn trôi. Đoàn thanh niên sở tại cũng dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng chống tai nạn cho con em trước những dịp nghỉ hè.
Trước đó khoảng 15h ngày 21/3, được nghỉ học nên 10 nam sinh học tiểu học và THCS Hữu Nghị rủ nhau ra sông Đà chơi bóng nước. Tại bờ sông phường Thịnh Lang, chín em nhảy xuống sông nghịch bóng còn một em ngồi trên bờ do không biết bơi. Sau chừng 15 phút, cả chín em đang cách bờ khoảng 10 mét bắt đầu có dấu hiệu đuối nước nên hò nhau bơi vào bờ. Tuy nhiên chỉ một em sống sót.
Phạm Dự - Gia Chính