Chủ nhật, 12/5/2024
Thứ bảy, 16/12/2017, 17:20 (GMT+7)

Nơi lưu giữ những dấu ấn của chí sĩ Phan Bội Châu

Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở Nghệ An trưng bày nhiều tài liệu về cuộc đời nhà chí sĩ yêu nước được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Khu lưu niệm Phan Bội Châu nằm ở thị trấn huyện Nam Đàn (xưa là thôn Sa Nam, huyện Nam Đàn). Đây là nơi sinh ra và gắn liền với 3 năm đầu đời của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Hai căn nhà tranh tái hiện lại nơi cụ Phan Văn Phổ - thân sinh cụ Phan Bội Châu dựng vào năm 1860. Nơi đây Phan Bội Châu tên khai sinh Phan Văn San cất tiếng khóc chào đời ngày 26/12/1867.

Hình ảnh mô phỏng tại chân cầu hữu biệt (nay là cầu mượu thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) nơi Phan Bội Châu (người thứ hai từ phải sang) được những người bạn ở quê, trong đó có cụ Nguyễn Sinh Sắc, tiễn biệt để rời quê hương lên đường sang Nhật Bản.

Cuộc chia ly này về sau đã xuất hiện trong một bài thơ với nội dung: Dùng giằng chân núi độc lôi/ Tây cầu hữu biệt bạn đòi tiễn ta/ Cầm tay chẳng muốn buông ra/ Gió hiu hắt thổi mưa sa thêm buồn.

Ở gian giữa nhà trưng bày là bức tượng của Phan Bội Châu, phía trên khắc dòng chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Phan Bội Châu là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng".

Theo tài liệu, Phan Bội Châu với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng vũ trang cách mạng, đã thành lập Duy Tân hội (1904)... Cụ là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đông Du (1905-1909).

 

Nổi bật là tấm bia báo ân cao 2,7m, rộng 0,8m, đặt trên bệ đá mô phỏng tấm bia báo ân mà cụ Phan Bội Châu cùng những người bạn lập ở Fukuroi (Nhật Bản) để tưởng nhớ vị ân nhân đã khuất là bác sĩ Asaba Sakitaro (người Nhật Bản) đã giúp đỡ ông trong những ngày tháng hoạt động cách mạng tại Nhật Bản.

Tập tranh dạy lịch sử cho học sinh tiểu học ở thành phố Fukuroi - quê hương của bác sĩ Asaba về Phan Bội Châu với phong trào Đông Du. 
Ngày 15/12 vừa qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản". Các đại biểu đã khẳng định tình bạn giữa cụ Phan và bác sĩ Asaba chính là "Cầu nối hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản".

Bản án mà thực dân Pháp kết tội cụ Phan Bội Châu 25/7/1908. Năm 1924 cụ Phan tiếp tục bị thực dân Pháp bắt cóc tại Trung Quốc đem về nước quản thúc tại Huế.


Hộp và ống đựng bút của cụ Phan được trưng bày tại khu lưu niệm.

Sa bàn phối cảnh nhà cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự (Huế, Thừa Thiên Huế). Cụ Phan Bội Châu mất ngày 29/10/1940 tại Huế.

Sáng 16/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Phan Bội Châu cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

"Việc trao bằng di tích cho thấy Đảng, nhà nước và nhân dân luôn trân trọng và đánh giá rất cao đóng góp nhiều mặt của cụ Phan cho đất nước ở một giai đoạn lịch sử bi hùng của cả dân tộc", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Hải