Nơi vợ chồng Ngân, Sơn làm thuê tạm đóng cửa từ chiều 31/3, trước ngày "cách ly xã hội" có hiệu lực. Trước lúc tan ca, Ngân nán lại quét tước văn phòng, thu dọn bàn ghế. Đợi người trong công ty về hết, bà chủ gọi Ngân lại, dúi vào tay cô hộp cá kho, túi thịt gà, cho thêm hai thùng phở gói, một thùng sữa hộp, bảo mang về cho bốn đứa trẻ con.
Vợ chồng Ngân sống ở bãi giữa sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên. Xóm ngụ cư của hơn 100 con người sống trên những "ngôi nhà" níu lấy nhau bằng bè phao, chông chênh trên mặt nước, chắp vá đủ thứ vải bạt, mền cũ, biển quảng cáo. Họ di cư từ những miền quê khác nhau, hầu hết không còn hộ khẩu ở quê cũ và cũng không được thừa nhận ở nơi mới.
Ngân học hết lớp Ba, còn chồng cô mù chữ. Cũng như những người dân bãi giữa, họ kiếm sống bằng công việc chân tay, đi nhặt rác, bốc vác thuê. Trước ngày vào xưởng tăm, Ngân đi rửa bát cho các quán ăn, Sơn đi chở hàng cho xưởng bánh kẹo. Sơn không biết đọc tên các biển chỉ đường, anh dò dẫm đường phố theo trí nhớ, hoặc là hỏi thăm. 5 năm trước, vợ chồng cùng xin vào làm việc ở một xưởng sản xuất nhỏ ngoại thành.
7h mỗi sáng, đèo nhau trên chiếc Dream cũ, họ men theo con đường đầy lau sậy dưới bãi lên cầu Long Biên, xuyên thành phố 20 km xuống tận Hà Đông đi làm. Ngân nấu cơm, quét dọn, nhận lương 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Sơn chở hàng cho các đại lý ở tận chợ Bưởi, vòng lên phố Hàng Buồm, mỗi tháng nhận 5 triệu chưa tính xăng dầu. Được nuôi cơm trưa, tổng thu nhập hai vợ chồng 8,5 triệu, nuôi bảy miệng ăn. Bốn đứa con, lớn nhất đang học lớp Sáu, nhỏ nhất hai tuổi rưỡi và mẹ Ngân bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm.
Cửa sống dần thu hẹp từ những ngày cuối tháng hai, khi dịch bắt đầu khó khống chế. Nhà hàng, quán ăn lác đác đóng cửa, đại lý giảm một nửa số tăm nhập vào. Xưởng hơn ba chục con người, chưa ai phải nghỉ việc, nhưng thu nhập giảm đi một phần.
Ngân không than phiền. Nhưng rồi ngày 26/3, Hà Nội lệnh đóng cửa hàng, quán ăn, những dịch vụ không thiết yếu. Một tuần sau, lệnh "cách ly xã hội" được thực thi, cũng là ngày xưởng tạm đóng cửa.
Những ngày mới có dịch, chưa bao giờ Ngân nghĩ "sẽ đến mức độ này". Ở xóm phao, vợ chồng cô là những người nghỉ việc cuối cùng. Hàng xóm đi dọn vệ sinh, làm tạp vụ, thu mua phế liệu đã nghỉ trước đó cả tuần, hoặc nửa tháng.
Xóm ngụ cư của những gia đình như vợ chồng Ngân, Sơn không phải là cộng đồng duy nhất sống bám vào "hệ sinh thái Long Biên". Từ xóm phao đi vào nội thành một km, qua những bãi trồng chuối, hoa màu và lau sậy, giữa những ngóc ngách không còn được vẽ trên bản đồ, là xóm bãi nằm cạnh chân cầu Long Biên. Nơi cư ngụ của hàng trăm người bốc vác, kéo xe, bán hoa quả dạo, nhặt ve chai, giúp việc, và nhiều nghề chân tay khác, trọ trong hàng trăm mái nhà lợp fibro xi măng lô nhô, cao ngang đầu. Phần lớn là dân ngoại tỉnh mưu sinh quanh chợ Long Biên, đầu mối rau quả lớn nhất thủ đô.
Khi Ngân kỳ cụi rong xe máy chở hàng kiếm 100.000 đồng cuối cùng, ở đầu này thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh, 60 tuổi cũng bắt đầu còng lưng đẩy xe xôi chè từ cuối Hàng Than về phòng trọ. Ông Chí chạy ra đỡ cái xe từ tay vợ như thói quen đã hơn 20 năm nay. Chưa bao giờ ông thấy cái xe hàng của bà nặng như hôm ấy, "ế phải gần nửa rồi", ông nghĩ.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chí mang nghề nấu xôi chè gia truyền của mẹ vợ từ Phú Xuyên vào nội thành mưu sinh từ ngày con trai út của họ còn học mẫu giáo, giờ anh đã gần 30. Giá cốc chè đỗ đen nhiều dừa trong gánh hàng của ông bà đã tăng từ 200 đồng lên 10.000 đồng, chỉ có nơi ở của họ là không thay đổi nhiều.
Nội thất duy nhất trong căn nhà trọ 8 m2 trong xóm bãi, giá thuê tháng 900.000 đồng là cái phản vừa làm chỗ ăn cơm cho cả nhà, vừa là chỗ ngủ của vợ chồng già, trên đầu treo thêm cái giường đơn cho cậu con út. Đồ đạc đáng giá trong nhà, ngoài chiếc radio từ ngày ông đi bộ đội còn có mớ xoong, nồi, chõ, "cần câu cơm" hai chục năm nay nuôi ba đứa con học đại học.
6h sáng, bà quảy gánh hàng ra khỏi xóm bãi lên phố cổ, đi khắp Cửa Đông, Hàng Đậu, Hàng Khoai, rồi về mạn Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Ngọc Quyến. Ngày đi hàng chục km, bà kiếm non 200.000 đồng. Bà Ánh tự hào, ít người phố cổ nào chưa từng ăn qua chè mình nấu.
Ông Chí nghe đài từ chiều 26/3, biết các dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ngừng hoạt động. Ông hỏi vợ "Thế nay có ngâm gạo nữa không mẹ nó?". Bà Ánh nói cứng "ngày vài chục nghìn tôi cũng phải đi". Từ hôm ấy, nồi chè phải nấu vợi đi 2 phần, vậy mà vẫn ế. Sợ bị công an thu hàng, bà Ánh không lên phố, chỉ đẩy xe quanh chợ Long Biên, bán cho những chủ sạp hàng hoa quả còn trụ lại.
"Từ ngày bán 200 đồng một cốc chè đến giờ, chưa lúc nào thấy Hà Nội vắng vẻ như năm này". Những con phố chen chúc xe cộ, còi bấm inh ỏi bỗng trở nên xa lạ với bà Ánh, khi nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm.
Tết Hàn Thực mọi năm ông Chí phải ngồi vần bột, viên gần trăm đĩa bánh trôi, năm nay chỉ dám làm 20 đĩa. "Có nhà làm trăm đĩa, ế mất gần 7 chục, phải nấu ra làm cám cho gà kìa", ông Chí lắc đầu. "Cứ kéo dài thế này thì chết dở". Con trai ông làm trong bộ phận xét nghiệm của một phòng khám bên Thụy Khuê, tối nào đi ngủ cũng thấp thỏm, sợ ngày mai sẽ nhận quyết định "cắt giảm lao động" trong mùa dịch.
Không kiếm ra một đồng, nhưng khoản tiền nhà, tiền nợ lãi dưới quê vẫn phải trả. Như nhiều gia đình thu nhập thấp, thứ đầu tiên bị bớt xén trong gia đình ông bà là đồ ăn. Con trai đóng tiền ăn trưa ở phòng khám, trưa cuối tháng, bà Ánh luộc nửa con vịt, lấy nước chan, xào bó rau cải ăn cơm. Bữa tối, con về, họ mới bỏ thịt ra ăn cùng nhau.
Phòng bên, ông Lê Đình Hồng cũng đang trong những ngày "ế việc". Người đàn ông nặng chưa đến 60 kg, hằng đêm kéo thuê chục chuyến xe hoa quả, mỗi chuyến nặng ba, bốn tạ đi từ cổng chợ ra khu xây dựng bỏ không ở Tân Ấp, nhận tiền công 400.000 đồng. Bây giờ, ông không dám ngồi nghỉ, kéo lê cái xe chở hàng quanh chợ hỏi "Bác cần chở gì không?". Chủ hàng vẫn lắc đầu. Không có việc, đội vận chuyển giành giật nhau, may ra được vài chuyến.
Người đàn ông 52 tuổi, quê Phú Thọ sống một mình trong phòng trọ 5 m2. Căn phòng vắng bóng phụ nữ không có nồi, niêu, xoong, chảo. Vợ ông về quê chăm hai bà nội ngoại 90 tuổi, bị tai biến 2 năm nay. Trong vuông nhà tối nồng mùi dầu gió và cao sao vàng. Mỗi đêm kéo xe trở về, ông đều phải xoa dầu cho đỡ đau vai. "Thôi cố, mấy hôm nữa rồi chẳng có việc để mà đau vai", ông Hồng cười.
Dịch bệnh khiến nhiều lao động di cư "treo niêu", còn đẩy họ vào cảnh có quê mà chẳng dám về. Tối 31/3, phân nửa người trong khu trọ xếp áo quần về quê ngay trong đêm, không hẹn ngày trở lại. Hàng chục chiếc xe kéo bỏ không, dựng bên cửa phòng. Cả xóm bãi im lìm. Phú Xuyên cách đó chưa đầy 40 km, nhưng ba người nhà ông Chí không nghĩ đến chuyện về. "Ở nhà còn 4 cháu bé, giờ về là vô trách nhiệm".
Vợ và 2 cô con gái cũng giục ông Hồng về, "không về tôi lên lôi ông về", bà dọa. Sắp tới ngày giỗ anh trai cả, ông vẫn phân vân. Như ông Chí, bà Ánh và những người ở lại, ông Hồng sợ "mang bệnh" về cho mẹ già, cho vợ, còn 2 đứa con gái đang chửa đẻ. Nhưng phần nhiều, ông vẫn hy vọng túc tắc có việc kiếm tiền, "Giờ về quê, người già như tôi, đào đâu ra mỗi ngày 50 nghìn".
"Thắt lưng buộc bụng" là cách duy nhất người lao động thu nhập thấp nghĩ được trong những ngày này. Tối ấy, Ngân cầm 5 triệu đồng, những đồng tiền lương cuối cùng trong tháng ba, và nghĩ về những thứ phải chi tiêu cho bảy miệng ăn trong những ngày không còn việc. Đó là nếu dịch được khống chế, còn trong trường hợp xấu hơn, Ngân "chưa thể tính được".
Trong đầu người mẹ 29 tuổi hiện lên danh sách những thứ phải mua. Tối hôm trước, Ngân vét thùng kiểm tra, còn hơn chục bơ gạo. Vợ chồng tranh thủ vòng qua đại lý xách về thêm 20 kg. Trong khi đó, cả nhà mỗi tháng ăn hết khoảng 70 kg. Một thùng mì tôm ngày trước bán 95.000 đồng, giờ đã lên 110.000 đồng. Cô vòng đi mấy đại lý, mãi mới có nhà bán 105.000 đồng.
Bọn trẻ con trong nhà cũng đã nhận ra đổi thay trong những bữa cơm suốt hai tháng qua. Thứ bảy tuần trước chưa đến kỳ lĩnh lương, Ngân về qua chợ, chỉ dám mua mấy bìa đậu với bơ lạc về rang muối. Con bé út gảy gảy mấy hạt lạc rang trong bát, rồi ngoẹo cổ nhìn đĩa đậu phụ trắng phau. Ngân đành nói dối: "Nay mẹ về muộn, hàng thịt đóng rồi, mai mẹ mua nhé".
"Có cái gì thì ăn cái đó, con ăn cơm với muối vừng cũng được", cái Nga, đứa con gái lớn nhất cũng đã nhận ra những ngày khó khăn sắp tới. Con bé mười hai tuổi, biết nấu cơm, giặt giũ, trông em, gói gém việc nhà ổn thoả nhất khi vợ chồng Ngân đi làm. "Mình sao cũng được, nhưng con còn bé quá", Ngân cũng không biết xoay sở thế nào, khi trong người không có một đồng tiết kiệm.
Thùng sữa bà chủ cho, Ngân dặn chồng giấu đi, "kẻo con bé út thấy, nó lại khóc đòi". Từ nay, khẩu phần sữa của nó bị cắt giảm, từ một hộp mỗi ngày xuống còn hai ngày một hộp, cho đến khi hết thì thôi.
Người "cơm niêu nước lọ" như ông Hồng, thậm chí còn chẳng có bữa ăn để mà bớt xén, tiết kiệm chi tiêu. Quán cơm bụi đều đóng cửa. Ngày ế việc, ông Hồng mang bộ comple phủ bụi lâu nay ra mặc, rồi lọ mọ giữa những lối đi hình con lươn của xóm bãi, ra nhà người quen "ăn nhờ", trả người ta đôi chục, hoặc uống chai bia rồi đắp chăn đi ngủ, 7h tối lại kéo xe đi.
Thanh Lam - Hoàng Phương