Theo chỉ dẫn của người dân khu phố, nhà bà Lê Thị Thảo là nơi đã được chúa sơn lâm ghé thăm vào hơn một năm trước.
Tại căn biệt thự 3 tầng, bà Thảo khẽ rùng mình, co người lên ghế, chậm rãi kể về ngày kinh hoàng đối với gia đình bà.
Chuồng hổ sát vách nhà bà Thảo. |
Buổi trưa hôm đó, bà vừa bế cháu đi sang hông nhà thì thấy một vật gì đó phóng qua rất nhanh, quay người nhìn lại không thấy gì. Ít phút sau, bà Thảo vừa quay lên nhà trước thì “chết điếng” khi thấy một con hổ đang nằm chễm trệ ngay giữa phòng khách. “Tôi cứ ngỡ là mình bị hoa mắt. Thế nhưng, nhìn kỹ thì thấy con hổ to tướng đang nằm liếm bộ ria mép. Người tôi rung lên bần bật, toát cả mồ hôi. May mắn là tôi đã bình tĩnh được, nhanh tay đóng sập cửa lại và thét lên truy hô. Ông nhà tôi cuống cuồng chạy sang gọi người nuôi hổ của Công ty TNHH bia Thái Bình Dương để lùa hổ trở về chuồng”, bà Thảo bàng hoàng kể lại.
Ghi nhận của VnExpress.net, phần chuồng trại của Công ty bia Thái Bình Dương có một mặt hướng ra đường, mặt sau chính là sân chơi dành cho hổ rộng khoảng 500 m2, nằm sát vách nhà bà Thảo.
Chỉ tay về đoạn vách tường cao khoảng 6 m, có dấu ghép nối, chồng bà Thảo cho biết, nó được công ty xây nâng gấp đôi ngay sau khi sự cố hổ nhảy sang “thăm” nhà ông. Tuy nhiên, đến giờ, ngay cả sau khi bờ tường đã được cơi nới thì tâm trạng của gia đình vẫn còn lo lắng. Ngay cạnh sân thượng nhà bà Thảo, cách khoảng 1,5 m còn có cây dừa nằm trong sân chơi của hổ vói phần ngọn cây cao ngất. Gia đình cho biết, tuy công ty đã cho rào kẽm gai xung quanh phần trên của cây dừa nhưng họ vẫn luôn mường tượng đến khả năng phóng nhảy, leo trèo của hổ, nhất là cây dừa này còn tiếp tục phá triển cao hơn nữa.
“Do lo sợ nên cứ tàu lá nào vươn qua nhà là bố đều chặt hết”, con gái bà Thảo chỉ tay về ngọn dừa dấu vết bị chặt còn mới toanh.
Thỉnh thoảng, câu chuyện của vợ chồng bà Thảo lại bị ngắt quãng bởi tiếng gầm thét của “ông ba mươi” phát ra từ khu chuồng sát vách nhà khiến những người khách tưởng như mình đang lọt vào nơi hoang dã nào đó, chứ không phải đang đứng chân trong biệt thự ở một đô thị sầm uất tại Bình Dương.
Ngọn dừa trong sân chơi của hổ chỉ cách sân thượng nhà bà Thảo 1,5m. |
“Sống chung” với hổ suốt một thời gian dài, hằng ngày đều nhìn thấy 2 “ông ba mươi” có tổng trọng lượng trên dưới 400 kg chơi đùa, gầm rú khiến đứa cháu gái chưa lên năm của bà Thảo giờ đây không khác gì một “chuyên gia” khi nói và kể về hổ. Cháu miêu tả một cách khá tỉ mỉ về hình dáng, tiếng hổ gầm rú hàng ngày như thế nào…
“Có lẽ ở trong độ tuổi của cháu, ít có đứa trẻ nào có được ‘cơ hội’ được tiếp cận với hổ cả trong không gian và thời gian thật đến vậy. Nỗi sợ hãi về sự nguy hiểm của loài mãnh thú này dường như không có trong tâm trí của cháu”, mẹ cô bé cười đùa cho biết. “Lúc nhỏ cháu ngủ rất hay giật mình mỗi khi nghe tiếng hồ gầm thét bất kể giờ giấc. Rồi cháu lớn lên trong âm thanh này nên đến giờ đã quen không khác gì đứa trẻ nghe tiếng mèo kêu vậy”.
Nhiều người dân ở khu phố nghi ngại, loài thú dữ ở nơi đây sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới và điều đó càng làm gia tăng thêm nỗi bất an của những người nơi đây. Họ bảo rằng, may mắn như gia đình bà Thảo chắc không có lần thứ 2. “Nguy hiểm thì chực chờ, mùi hôi thối từ chuồng trại, tiếng gầm thét của hổ theo chiều gió bất kể ngày đêm “tra tấn” chúng tôi suốt thời gian qua”, một người dân không giấu nỗi bức xúc nói.
Mặc dù đã đến công ty liên lạc nhiều lần, phóng viên không thể gặp được bất cứ lãnh đạo nào trong công ty.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, hiện có 3 đơn vị được phép nuôi hổ thí điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm có: Công ty Bia Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một). Tại thời điểm kiểm tra vào tháng 6 vừa qua, Công ty Bia Thái Bình Dương đang nuôi 31 con hổ, 7 con báo, 6 con gấu ngựa và 670 con cá sấu nước ngọt. Cũng trong lần kiểm tra này, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có kiến nghị yêu cầu về chuồng trại, công ty phải khẩn trương gia cố để đảm bảo độ vững chắc, an toàn tuyệt đối cho người nuôi và cộng đồng dân cư xung quanh. Đồng thời, kết luận này cũng đã lưu ý, khu vực nuôi hổ nằm trong khu dân cư, về lâu về dài công ty phải có kế hoạch di dời vị trí nuôi hổ đến vị trí mới đảm bảo điều kiện nuôi và an toàn...
Minh Tâm - Tuệ Mẫn