Tối 9/8, tại sân quảng trường Nhà văn hóa tỉnh Bắc Kạn, một bức tượng nằm trong quần thể năm tượng Chiến thắng Bắc Kạn bất ngờ gãy đôi và đổ xuống gây thương tích cho một bé trai. Theo ông Phạm Duy Hưng, Phó chủ tịch tỉnh, nguyên nhân vụ việc là do hai cậu bé trèo lên tượng "một cháu đu, một cháu đẩy" khiến một phần tượng đài này bị gãy đổ.
Đề cập chất lượng tượng đài, ông Phạm Duy Hưng cho biết, "tượng được làm bằng đá xanh, chia thành từng thớt ghép lại với nhau bằng keo nên không thể bền chắc mãi được". Tỉnh đang chỉ đạo kiểm tra toàn diện để đánh giá chất lượng công trình sau vụ việc.
Cụm tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng hoàn thành vào đầu năm 2015.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa), nhiều công trình tượng đài được thực hiện bằng phương thức ghép các thớt đá với nhau. Vấn đề ở đây là do khâu xử lý kỹ thuật giữa các thớt đá không đảm bảo an toàn. Giữa phần khớp của các thớt đá phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ, có chốt, ngạnh giữ an toàn thì sẽ không gãy đổ. Ông Thành cho rằng phải làm rõ và truy trách nhiệm của đơn vị thi công trong vụ việc này.
Trước vụ việc ở Bắc Kạn, công trình tượng đài N’Trang Lơng ở Đắk Nông với kinh phí xây dựng hơn 140 tỷ đồng cũng gặp sự cố. Cuối năm 2016, các hạng mục móng, bệ, hệ thống chống sét trị giá hơn 1,7 tỉ đồng phải tạm dừng thi công do không đạt chất lượng. Theo Sở Xây dựng Đắk Nông, có đến 9/10 vị trí móng không đạt chất lượng bê tông, mẫu để tiếp tục thi công và 1/3 sàn móng không đạt yêu cầu. Hiện công trình vẫn tạm dừng để Thanh tra Xây dựng đánh giá toàn diện sự cố.
Năm 2015, biểu tượng văn hóa của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) xuất hiện nhiều vết nứt sau khi bị sét đánh vỡ chóp. Cơ quan chuyên môn kết luận nguyên nhân do nền móng lún không đều gây rạn nứt khu vực tiếp giáp.
Cùng năm, tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam với vốn đầu tư 411 tỷ đồng sau khi khánh thành 2 tháng đã bong tróc nền.
Nhận xét về chất lượng của tượng đài, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng phần lớn sự cố do lỗi thi công ẩu, thiếu tính toán kết cấu, khâu giám sát không được coi trọng. Tượng đài là công trình văn hóa đặc biệt, đặt ở vị trí quan trọng, cần có độ bền vững nên kết cấu phải vững chắc, mỗi chi tiết phải tính toán công phu.
Ông Tùng lấy ví dụ, tượng đài Bác Hồ ở Thủy điện Hòa Bình chỉ riêng cánh tay nặng vài tấn nên phải tính toán để chịu được động đất, thời tiết.
Theo ông Tùng, hiện nay các tỉnh không có đội ngũ thi công tượng đài chuyên nghiệp và việc quản lý chất lượng của địa phương bị buông lỏng. "Tượng đài đá trắng thì bị ngả màu, tượng đồng thì bị chuyển màu xanh, trong khi đó yêu cầu phải tồn tại hàng trăm năm. Xây dựng tượng đài là tâm linh nên cần những người thực hiện có trách nhiệm với cộng đồng", ông Tùng nhận xét.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng nhận định, các công trình tượng đài là biểu tượng văn hóa, có ý nghĩa thiêng liêng với người dân nên cần được thiết kế, xây dựng với yêu cầu đặc biệt. Thậm chí tượng đài phải thiết kế chịu được động đất tối đa, khả năng chống sét... để tồn tại vĩnh cửu. Không thể có chuyện tượng đài bị sét đánh hay có trẻ em đu bám thì gây hư hỏng.
Tượng đài bị hư hỏng, lún sụt, bong tróc nhanh chóng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng xây dựng kém chất lượng, thiết kế sai. Thường các công trình này do đơn vị xây dựng văn hóa thiết kế và thi công, không có tham vấn của đơn vị chuyên ngành xây dựng. Ngoài ra, các đơn vị thường chạy đua về tiến độ nên không chú ý chất lượng, dễ xảy ra hư hỏng.
"Các công trình tượng đài phải được coi là dự án đầu tư, được tham chiếu theo quy định Luật Xây dựng. Các khâu thiết kế, thi công, giám sát phải do cơ quan chuyên môn xây dựng thực hiện", ông Trần Chủng nói.