10h ngày 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Quảng Nam - Phú Yên khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất 60 km/h (cấp 7). Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp sẽ di chuyển hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 15 - 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Do tác động của gió mùa Tây Tây Nam hoạt động mạnh, giữa biển Đông (quần đảo Trường Sa), khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận trong 2 - 3 ngày tới có mưa giông; có khả năng xảy ra lốc xoáy.
Tại Đà Nẵng, Sở Giáo dục Đà Nẵng có công văn gửi các đơn vị, trường học cho phép học sinh nghỉ học ngày 13/9 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Ông Đặng Văn Minh – Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi cho hay, do nằm trong vùng áp thấp nhiệt đới đi qua, tỉnh đã ra lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Tàu thuyền trên biển vào bờ neo đậu. Tỉnh cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân ở gần cửa sông, ven biển, ngoài đê, sát vùng có nguy cơ sạt lở chủ động chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn.
"15h hôm nay, tuyến đường thủy từ Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn và ngược lại tạm ngưng hoạt động. Du khách còn kẹt ở Lý Sơn phải được đảm bảo chỗ ăn, nghỉ", ông Minh cho biết.
Tại Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có công điện yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động mọi lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó bão.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam nghiêm cấm tất cả tàu thuyền của tỉnh ra khơi, đồng thời thường xuyên thông báo cho phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ.
Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện lúa vụ hè thu còn khoảng 4.500 ha chưa thu hoạch. Trong đó, 2.500 ha tập trung ở khu vực miền núi, 2.000 ha tập trung ở đồng bằng.
Trưa nay, Bình Định có mưa giông. Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay, trong hai ngày qua lượng mưa cao nhất ở tỉnh là 200 mm và thấp nhất 70 mm. "Chúng tôi phát thông báo để ngư dân biết vị trí, hướng đi của áp thấp, neo đậu tàu thuyền an toàn", Phó chủ tịch tỉnh cho biết.
Theo ông Châu, tỉnh cũng có công văn chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án neo đậu tránh, trú bão. Riêng các lực lượng tập trung rà soát, kiểm tra phương tiện thủy hoạt động trên biển, không để ngư dân ra khơi đánh bắt và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thông báo tình hình áp thấp nhiệt đới tới ngư dân, doanh nghiệp có khách du lịch, để đảm bảo an toàn; kêu gọi người dân không được ra khơi vào thời điểm hiện tại.
Thống kê từ Bộ đội biên phòng, toàn tỉnh hiện có 2.514 tàu đang đánh bắt tại các vùng biển. Trong đó, 2 tàu cá với 22 thuyền viên đang làm việc tại ngư trường Hoàng Sa; hơn 100 tàu ở Trường Sa. "Đây là hai khu vực gần với tâm áp thấp, chúng tôi đã liên hệ được với các chủ tàu, yêu cầu vào nơi trú ẩn an toàn, thông qua icom, radio đài Nha Trang", lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.
Xuân Ngọc - Sơn Thủy