Ngày 27/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Báo cáo nêu hiện có 22 tỉnh, thành thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Việc triển khai các dự án BT còn bất cập trong xác định quỹ đất được sử dụng để thanh toán, xác định giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất này còn chưa rõ ràng về phương pháp...
"Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng được coi là sáng kiến của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2009, Chính phủ ban hành nghị định cho phép thực hiện dự án BT. Luật đất đai năm 2013 tiếp tục cơ chế đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng theo dự án BT. Hiện nay, hàng loạt dự án được nhiều nhà đầu tư đề xuất tại TP HCM và nhiều địa phương khác.
Ông Bình nói, dự án BT đảm bảo khả năng phát triển nhanh hệ thống hạ tầng cả về kinh tế, xã hội, môi trường mà nhà nước không phải chi ngân sách, nhưng phải chi tài sản, đất đai. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này nhiều hơn ưu điểm.
"Thực tế nhiều dự án giao cho nhà đầu tư bị chậm tiến độ, tăng vốn; có dự án doanh nghiệp đã nhận quỹ đất, phân lô bán nền, bỏ bê phần hạ tầng giao cho nhà nước. Điều này xuất phát từ việc khung pháp luật cho BT còn nhiều bất cập", ông Bình nhận định.
Cụ thể, các dự án BT được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại "tồn tại khoảng trống và chồng chéo". Luật đất đai 2013 chỉ quy định việc Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý đất để thực hiện dự án, không có quy định cụ thể về giao đất như thế nào, giá trị đất đai ra sao.
"Theo pháp luật hiện hành, hợp đồng BT là căn cứ để Nhà nước và nhà đầu tư thực hiện nhưng lại không có quy định cụ thể về loại hợp đồng này, nội dung cách thức làm ra sao, ai kiểm soát, kiểm soát ra sao?", đại biểu Bình băn khoăn.
Theo ông, việc giao đất cho nhà đầu tư cần được thực hiện sau khi công trình hạ tầng hoàn thành, có nghiệm thu chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập, nhưng nghị định 15/2015 cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng.
"Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ thất thoát tài sản đất đai. Tại sao không đấu giá đất để lấy tiền xây dựng hạ tầng? Đó là kẽ hở mà luật và nghị định đang tạo ra", ông Bình nói và cho rằng hợp đồng BT chỉ nên áp dụng tại địa phương nguồn thu kém, ngân sách trung ương phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Với địa phương phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đề nghị, "Nhà nước có biện pháp đấu giá đất để tạo nguồn vốn đầu tư, vì giá đất đấu giá bao giờ cũng cao hơn giá địa phương xác định".
Ông Hoàng Quang Hàm - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT còn nhiều bất cập.
Theo ông, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức hợp đồng BT là cần thiết nhưng hiện nay chưa có Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Chính phủ cũng chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
"Việc thiếu hụt chính sách dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nên cần phải nghiên cứu, hoàn thiện ngay", ông Hàm nêu.