Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến người dân, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thứ nhất, như hiện hành là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Thứ hai, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ Tết dài đã làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, do đó, Ban soạn thảo lấy ý kiến người dân về vấn đề này để tính toán lại, đảm bảo ngày Tết vui tươi, có ý nghĩa mà không làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Bình cũng cho biết, số ngày nghỉ lễ hàng năm của Việt Nam không cao so với các nước trên thế giới. Trong khi đó, Tết âm lịch rất đặc biệt, không đơn thuần là ngày nghỉ, mà là dịp tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, người lao động xa quê về sum họp với gia đình. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có đủ thời gian để người lao động về quê ăn Tết, nếu thời gian nghỉ ngắn quá thì không đảm bảo.
Nhóm ý kiến ngược lại thì đề xuất Luật thay đổi cách nghỉ Tết âm lịch theo hướng đảm bảo nghỉ Tết luôn là 5 ngày, không hoán đổi để kéo dài thời gian nghỉ. Trường hợp người lao động muốn nối liền ngày nghỉ thì phải xin nghỉ phép.
"Qua quá trình thảo luận và tham vấn các chuyên gia thì nhiều ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án một", ông Bình nói.
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, phân tích, "phương án nào cũng có mặt tích cực và bất lợi". Nếu nghỉ dài sẽ giúp người lao động đi làm xa quê được ở nhà lâu hơn, song sau Tết, tinh thần họ uể oải khó thích ứng với công việc và phát sinh ăn uống nhậu nhẹt, bạo lực cũng như lãng phí trong ăn chơi dịp Tết. Tuy nhiên, kỳ nghỉ dài sẽ giúp kích cầu du lịch.
Bà Hồng đề xuất, nếu ngày nghỉ Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì nối vào như phương án một, do đó số lượng ngày nghỉ Tết tối đa là 7 ngày. Tuy nhiên, khi ngày nghỉ Tết cách ngày nghỉ cuối tuần thì Chính phủ không nên cho nghỉ thêm rồi hoán đổi sang tuần khác, như vậy nghỉ Tết sẽ kéo quá dài.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nước trên thế giới có dịp nghỉ Tết dài ngắn khác nhau, nhiều nước nghỉ chỉ 1-2 ngày song Trung Quốc nghỉ đến 7 ngày do đất nước rộng lớn, người dân phải đi lại nhiều. Để thay đổi ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì Ban soạn thảo cần có cuộc khảo sát, lấy ý kiến tổng thể.
"Tôi nghĩ nghỉ Tết Nguyên đán từ 5 đến 7 ngày là hợp lý, nghỉ dài thì người dân có điều kiện tái tạo sức lao động song lại tạo ra sự trì trệ", ông Long nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nói, người lao động không nên nghỉ Tết quá dài mà chỉ nên nghỉ dưới 7 ngày, vừa đủ để về quê và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, nghỉ Tết dài còn khiến nhiều phụ nữ vất vả khi phục vụ gia đình.
Ông Doanh chia sẻ, không ít doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn rằng người lao động Việt Nam nghỉ Tết dài quá khiến các đơn hàng bị đình trệ, trong khi việc sản xuất kinh doanh của họ phải tính toán chặt chẽ theo ngày. Thậm chí, nhiều công nhân còn không đi làm sau Tết khiến đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị phá vỡ.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, số ngày nghỉ lễ hàng năm ở các nước rất đa dạng, đa số nghỉ Tết dương lịch, có một số ít nước nghỉ Tết âm lịch. Nghỉ Tết âm lịch cũng khác nhau về độ dài. Thời gian nghỉ Tết nguyên đán hiện nay tại Trung Quốc là bảy ngày, Hàn Quốc là ba ngày, Singapore và Malaysia là hai ngày, Brunei, Thái Lan, Philippines nghỉ một ngày.